Tranh cãi nổ ra sau khi thành phố Eugene, bang Oregon, được trao quyền chủ nhà giải Vô địch Điền kinh thế giới 2021.
Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) đã trao quyền tổ chức giải Vô địch thế giới 2021 cho thành phố của Mỹ hồi tháng 4/2015, nhưng bỏ qua quá trình vận động giành quyền đăng cai một cách chính thức theo thông lệ. Eugene đã chiến thắng với tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo 23-1 từ các đại biểu của IAAF.
IAAF có trụ sở tại Monaco. Vì vậy các công tố viên Pháp cũng đang điều tra cáo buộc tham nhũng trong nội bộ IAAF, liên quan tới quá trình trao quyền đăng cai sự kiện điền kinh thế giới 2021 cho thành phố Eugene.
Sân Hayward Field, Eugene được ví như đại bản doanh của điền kinh Mỹ, khi thường xuyên tổ chức các sự kiện tuyển chọn VĐV cho tuyển Mỹ dự các cuộc tranh tài quốc tế.
Cựu chủ tịch IAAF, Lamine Diack, là nhân vật trung tâm trong vụ bê bối đưa ra quyết định gây tranh cãi đó. Cựu quan chức này đang bị quản thúc tại gia ở Pháp vì các cáo buộc tham nhũng.
Eugene được cho là dễ dàng nhận quyền đăng cai giải Vô địch điền kinh thế giới 2021, bất chấp thành phố Gothenburg (Thụy Điển) cũng muốn vận động giành quyền tổ chức sự kiện này.
Thành phố Eugene bị nghi ngờ được trao quyền nhờ mối quan hệ gần gũi với Nike - Tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở thành phố Beaverton, cũng thuộc bang Oregon. Nike tài trợ cho phần lớn các cơ sở thể thao của Đại học Oregon, địa điểm sẽ tổ chức nhiều nội dung thi đấu của giải Vô địch Điền kinh thế giới 2021 (Eugene 2021).
BBC từng cho rằng chính Chủ tịch đương nhiệm của IAAF, Lord Coe, có thể đã gây ảnh hưởng tới vị lãnh đạo tiền nhiệm trong việc đưa ra quyết định trao quyền đăng cai cho thành phố Eugene. Coe cũng đã thừa nhận ông từng thảo luận về quyền đăng cai giải Vô địch 2021 với Giám đốc Điều hành của Nike.
Vào thời điểm đó, năm 2015, Lord Coe được chi trả gần 130.000 đôla mỗi năm với tư cách một Đại sứ của Nike. Nhưng quan chức thể thao người Anh này mới đây đã phủ nhận nghi ngờ ông đại diện cho chiến dịch vận động giành quyền đăng cai của thành phố Eugene.
Tuy nhiên, Coe đã buộc phải từ bỏ vai trò Đại sứ cho Nike vào cuối tháng 11/2015, sau 38 năm giữ mối quan hệ hợp tác với Tập đoàn sản xuất đồ thể thao Mỹ. Khi ấy, ông giải thích rằng những cáo buộc về mâu thuẫn lợi ích đã gây ra sự “phân tâm" và “không tốt cho cả Nike lẫn IAAF”. Thời điểm đó, Coe đã ngồi ghế Chủ tịch IAAF khoảng ba tháng.
Trưởng đoàn vận động đăng cai của thành phố Gothenburg (Thụy Điển), ông Bjorn Eriksson, tố cáo rằng họ không có cơ hội để tiến hành một chiến dịch vận động cạnh tranh. Vị này nhấn mạnh IAAF đã “vi phạm luật chơi công bằng”.
Theo BBC, các cơ quan chức năng Mỹ, trong đó gồm có các điều tra viên thuế của Sở thuế vụ Mỹ, đang điều tra xem liệu có bất kỳ hành động sai trái nào liên quan tới các quan chức thể thao Mỹ.
Như vậy, có tới ba cơ quan đang điều tra cáo buộc tham nhũng tại IAAF, là FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ), IRS (Sở Thuế vụ Mỹ) và các công tố viên Pháp.
Theo vnexpress.net