Dù Hà Lan được bốn suất, Uỷ ban Olympic và Liên đoàn các môn thể thao nước này lại căn cứ tiêu chí riêng, từ đó chủ động cắt biên chế đội golf khi sang Pháp thi đấu, từ bốn còn một thành viên.
Môn golf ở Thế vận hội được Uỷ ban Olympic quốc tế giao IGF phụ trách. Theo đó, IGF lập bảng golf Olympic (OGR) với nguồn dữ liệu từ bảng golf chuyên nghiệp thế giới (OWGR cho nam, Rolex Rankings cho nữ) để qua đó chọn từ trên xuống với nguyên tắc mỗi giới đều hai suất cho mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, tối đa bốn suất mỗi giới đối với nước nào nhiều đại diện trong top 15. Quy trình như thế được áp dụng cho đến khi đủ 60 nam và 60 nữ cho cuộc tranh huy chương trên sân Le Golf National ở Paris vào tháng 8 tới.
Trong kết quả chốt vào ngày 17/6 đối với nam và 24/6 đối với nữ, Hà Lan có Joost Luiten và Darius Van Driel được vào bảng nam, Anne Van Dam cùng Dewi Weber ở bảng nữ.
Khi IGF công bố danh sách dự môn golf Olympic 2024, Van Dam đứng thứ 34 OGR, bậc cao nhất trong nhóm Hà Lan, còn lại đều ngoài top 40. Trên bảng thế giới, Van Dam đứng thứ 108, cũng cao nhất khi so với các đồng hương.
Dù Hà Lan được bốn suất, Uỷ ban Olympic và Liên đoàn các môn thể thao nước này lại căn cứ tiêu chí riêng, từ đó chủ động cắt biên chế đội golf khi sang Pháp thi đấu, từ bốn còn một thành viên.
"Sau khi phân tích kỹ dữ liệu môn golf, tiêu chí lập danh sách đấu từ IOC không thể hiện khả năng vào top 8 chung cuộc của đội Hà Lan. Và cũng vì thế, hai tổ chức chủ quản đã đặt ra thêm yêu cầu chuyên môn riêng khi đưa đại diện đến thế vận hội", Liên đoàn golf Hà Lan (NGF) thông báo tình hình.
Hà Lan áp dụng "yêu cầu riêng" từ Rio 2016 và theo đó golfer đại diện phải nằm trong top 100 thế giới hoặc top 36 bảng golf Olympic đối với nam và top 27 đối với nữ. Ở Paris 2024, họ mở thêm "cửa phụ" khi ứng viên không đáp ứng được điều kiện thứ nhất. Theo đó, golfer thuộc top 59 thế giới sẽ được xét chọn dựa trên thành tích qua tối đa tám giải, trong đó phải ít nhất một lần cán đích trong top 8 và tất cả các giải như thế phải quy tụ tối thiểu năm gương mặt trong top 50 thế giới hoặc 10 người trong top 100.
Khi đối chiếu điều kiện chính cấp quốc gia, cả bốn suất đấu mà Ban tổ chức dành cho Hà Lan đều không đạt. Tuy nhiên, khi xét cửa phụ, chỉ Van Dam đáp ứng. Và như thế, cô là đại diện duy nhất được cử đi thi đấu golf tại Paris 2024.
Đây được xem là "nỗi buồn" cho ba golfer còn lại của Hà Lan cũng như cho IGF. Trước đó, với vai trò chủ trì golf thế vận hội, IGF đã gửi tài liệu cho NGF để tổ chức này thay mặt thuyết phục các lãnh đạo thể thao trong nước nhằm đảm bảo tối đa cơ hội thi đấu cho các ứng viên. Trong buổi trình bày, NGF đã nêu nhiều trường hợp bậc thấp trên bảng golf thế giới nhưng vẫn vô địch hoặc có kết quả cao ở các giải hoặc hệ thống giải lớn, từ đó chứng minh rằng khả năng cạnh tranh trong golf không như nhiều môn khác.
Hai trong các ví dụ được dẫn ra là Rory Sabbatini và CT Pan tại Tokyo 2020. Sabbatini bước vào thi đấu ở bậc 161 thế giới nhưng đứng nhì chung cuộc nhờ vòng cuối đột biến phong độ (đánh 61 gậy), từ đó mang về chiếc huy chương đầu tiên cho Slovakia ở môn golf Olympic. Trong khi đó, Pan đứng thứ 181 thế giới nhưng lĩnh huy chương đồng sau khi thắng hố phụ trước sáu đối thủ trong đó có hai gương mặt là ngôi sao hạng A trên PGA Tour Mỹ - Rory McIlroy và Collin Morikawa.
IGF cũng đưa luận chứng khác để thuyết phục phía Hà Lan rằng từ đầu năm đến nay đã có bảy golfer vô địch trên PGA Tour khi đứng ngoài top 100 thế giới. Tuy nhiên, giới chức thể thao đương sự vẫn không thay đổi quan điểm.
"Họ bảo chúng tôi không xứng tầm VĐV Olympic, không đủ đẳng cấp đại diện cho nước nhà. Điều này thật đau đớn, phủ nhận nguyện vọng của chúng tôi và cả bộ tiêu chuẩn tuyển chọn chuyên môn của IOC và IGF", Weber nói trên Golf Digest sau khi biết cô có tên trong danh sách đấu nhưng bị ngăn thực chiến dưới cờ Hà Lan.
Thiên Huy