Để đạt đến đỉnh cao của giới khoa học, Demis Hassabis đã trải qua một con đường khá đặc biệt: từ một kỳ thủ cờ vua nhí tài năng, giờ đây trở thành một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về AI. Và Demis Hassabis đã đoạt Nobel Hóa học ở tuổi 48.
Hassabis sinh năm 1976 tại Bắc London, có bố gốc Hy Lạp và mẹ người Singapore. Lên bốn tuổi, ông thường ngồi xem bố và bác đánh cờ, nên xin chơi cùng. Được bố dạy cách chơi, nhưng ban đầu Hassabis thua liểng xiểng vì dù sao bố ông cũng là kỳ thủ nghiệp dư. Nhưng sau vài tuần, ông đã thắng cả bố lẫn bác. Bố Hassabis tự nhủ: "Có lẽ phải đăng ký cho thằng bé vào một CLB cờ vua".
Thời thơ ấu của Hassabis chủ yếu gắn với cờ vua, khi ông tự mày mò cải thiện kỳ lực, rồi vươn lên đứng số hai thế giới trong những kỳ thủ dưới 13 tuổi, với Elo 2.300 và danh hiệu Dự bị Kiện tướng (CM). Kỳ thủ duy nhất đứng trên Hassabis khi đó chính là Judit Polgar, chênh lệch 35 Elo. Polgar sau này trở thành nữ kỳ thủ mạnh nhất lịch sử, còn sự nghiệp Hassabis rẽ sang một hướng khác.
Làng cờ vua từng có nhiều kỳ thủ, thậm chí là Đại kiện tướng, nghiên cứu khoa học ở nhiều lĩnh vực. Nổi tiếng nhất có lẽ là người giữ danh hiệu Vua cờ giai đoạn 1894-1921, Emanuel Lasker. Tên của ông được đặt cho một định lý toán học Lasker-Noether, do ông tìm ra cùng thời với nữ thiên tài toán Emmy Noether.
Sau này Hassabis cho rằng nếu tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cờ vua, ông vẫn nghĩ bản thân có thể trở thành kỳ thủ giỏi nhất. "Cờ vua là trò chơi trí tuệ tuyệt vời và đầy thử thách mà tôi rất yêu thích", ông nói với BBC năm 2014. "Nhưng tôi cảm thấy môn này mang tính tự thỏa mãn cá nhân. Tôi không muốn dành toàn bộ tâm trí, não bộ và tài năng của mình chỉ để thắng một người khác trong trò chơi. Vì thế tôi chuyển kỹ năng của bản thân sang lĩnh vực khác, là khoa học và kinh doanh".
Hassabis dành tiền thưởng từ một giải cờ vua để mua một chiếc máy tính ZX Spectrum 48K, những năm 1980. Ông ngay lập tức mua sách về tự học lập trình, và năng khiếu của ông với khoa học không thua kém gì cờ vua. "Điều tôi học được khi còn nhỏ không phải cờ vua, mà là các kỹ năng rèn luyện khi chơi cờ", ông nói với Achievement năm 2018. "Đó là giải quyết vấn đề, trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo hay hoạch định chiến lược. Cờ vua như phòng gym để rèn trí não, sau đó áp dụng vào lĩnh vực khác".
17 tuổi, Hassabis bắt đầu tạo dựng tên tuổi trong giới công nghệ, khi đồng thiết kế trò chơi nổi tiếng Theme Park. Ông trở thành thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của Đại học Cambridge, ngành khoa học máy tính. Sau đó, thần đồng cờ vua còn mở công ty game, lấy bằng tiến sĩ khoa học nhận thức, rồi thành lập start-up DeepMind năm 2010, ở tuổi 34. Bốn năm sau, Google mua lại DeepMind với giá 400 triệu bảng (523 triệu USD), còn Hassabis làm CEO.
DeepMind không phải cái tên xa lạ với làng cờ, khi công ty này đã sử dụng AI để phát triển các phần mềm lần lượt là AlphaGo trong cờ vây, AlphaZero trong cờ vua và AlphaStar trong game StarCraft II. Những cỗ máy này đều mạnh hơn nhiều so với người chơi giỏi nhất ở các môn tương ứng. Chẳng hạn AlphaGo là cỗ máy đầu tiên thắng nhà vô địch cờ vây Lee Sedol, hay AlphaZero, lúc ra đời, mạnh hơn bất cứ phần mềm cờ vua nào khác.
Các sản phẩm AI của DeepMind do Hassabis điều hành còn vươn tới nhiều lĩnh vực khác, như lập trình với AlphaCode, hình học với AlphaGeometry, toán học với AlphaProof. Đó là chưa kể mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) Gemini được coi là đối thủ chính của ChatGPT do OpenAI phát triển.
Với tư cách người lãnh đạo phát triển AI cho Google, Hassabis đi tiên phong trong cuộc đua trị giá nhiều tỷ USD. Chính phủ Anh đã nhiều lần nhờ ông tư vấn về những vấn đề công nghệ và AI. Ông còn được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ năm nay, trước khi được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vinh danh hôm 9/10, nhờ công trình AlphaFold trong sinh học.
AlphaFold là một phần mềm của DeepMind, có khả năng dự đoán cấu trúc 3D của protein, với cơ sở dữ liệu hơn 200 triệu cấu trúc protein được thu thập từ nhiều loài. Việc biết cấu trúc protein (còn gọi là chất đạm) sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của protein, hiểu vì sao bệnh tật xảy ra và thiết kế đúng loại thuốc tương tác với các protein đó.
Hassabis và nghiên cứu cấp cao 39 tuổi của DeepMind, ông John Jumper nhận một nửa giải thưởng Nobel, nửa còn lại thuộc về David Baker, 62 tuổi, Giáo sư tại Đại học Washington, Mỹ. Baker được vinh danh do xây dựng một loại protein hoàn toàn mới.
Còn với Hassabis, ước mơ của ông đã trở thành hiện thực, đó là dùng tài năng của bản thân để gây ảnh hưởng ở mức độ rộng rãi hơn, không chỉ trong làng cờ. "Tôi mong giới trẻ chơi cờ vua để rèn luyện trí não, sau đó dùng khả năng đó cho một công cụ là máy tính", Hassabis từng nói. "Máy tính có thể tạo ra mọi thứ".
Thành An