Vài tháng trước khi Olympic Paris 2024 khởi tranh, hai cường quốc thể thao là Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra tranh cãi dữ dội vì doping.
Cơ quan Chống doping Thế giới (WADA) đối mặt với những chỉ trích về việc thực thi pháp luật và sự thiếu minh bạch, để lại những câu hỏi lớn về cách kiểm soát doping tại các sự kiện thể thao hàng đầu thế giới.
Tờ Washington Post cho biết 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc đã dương tính với chất cấm trimetazidine ngay trước thềm Olympic Tokyo 2021 nhưng không bị trừng phạt. Theo đó, 13 trong số những vận động viên đó vẫn tham dự Olympic và giành được một số huy chương, bao gồm ba huy chương vàng.
Chủ tịch Cơ quan Chống doping của Mỹ, Travis Tygart đã chỉ trích mạnh mẽ và đặt câu hỏi về sự cam kết và động cơ của các nhà lãnh đạo chống doping toàn cầu.
Trong một cuộc họp báo kéo dài gần hai giờ đồng hồ vào ngày 22/4, các quan chức của WADA đã xác nhận các kết quả kiểm tra và nói rằng họ đã chấp nhận các giải thích từ Cơ quan chống doping của Trung Quốc (CHINADA), rằng các kết quả dương tính là kết quả của sự ô nhiễm tình cờ trước một cuộc thi vào cuối năm.
Một phần của bằng chứng mà WADA sử dụng để xem xét vụ việc đến từ một báo cáo của các điều tra viên Trung Quốc, họ đã phát hiện ra các vết chất trimetazidine trong khí thải và cống rác của nhà bếp tại một khách sạn mà các vận động viên đã lưu trú.
Các quan chức của WADA cho biết vì các hạn chế do đại dịch Covid-19 năm đó đã khiến họ không thể nhập cảnh vào Trung Quốc, họ đã phải dựa vào các báo cáo nội bộ trong khi tham khảo ý kiến từ bên ngoài về khả năng ô nhiễm như vậy.
Hơn nữa, vì các vận động viên đã được Trung Quốc xác nhận là "không dính chàm", WADA đã phải cân nhắc khả năng thành công khi kháng cáo tới Tòa án Trọng tài Thể thao để thực thi hình phạt. Vì các vận động viên đã được xác nhận là trong sạch, WADA từ chối tiết lộ các cáo buộc.
Global Athlete, một tổ chức bảo vệ quyền lợi của các vận động viên do cựu điều hành viên của WADA Rob Koehler điều hành, đã phát đi một tuyên bố tấn công WADA vì không tiết lộ các kết quả kiểm tra dương tính và vì không cung cấp đủ minh bạch và không công bố tất cả bằng chứng của mình.
“Những sai lầm được cáo buộc trong vài ngày qua đã làm suy yếu toàn bộ hệ thống thể thao công bằng và trong sạch trên toàn thế giới,” tuyên bố của Global Athlete nói.
Cựu điều tra viên trưởng của WADA, Jack Robertson, cho rằng giải thích về việc ô nhiễm không hề hợp lý. Mặc dù ông không còn làm việc cho cơ quan này và đang xem xét vụ việc từ góc nhìn bên ngoài, Robertson cũng nêu ra câu hỏi về giải thích của Trung Quốc.
“Làm thế nào một loại thuốc tim mạch, ở dạng viên, có thể vô tình lọt vào thức ăn của khách sạn. Và ở số lượng đủ để khiến hơn 20 vận động viên dương tính? Khả năng này không hợp lý. Liệu các vận động viên đã ăn cùng một món ăn không?" , ông Robertson đặt ra nghi vấn.
Trong cuộc họp báo thông tin video vào thứ Hai, Tổng thư ký WADA, Witold Banka, nói rằng cơ quan này không có bằng chứng về hành vi sai trái và không có cách nào đáng tin cậy để bác bỏ kết luận của Trung Quốc rằng thuốc đã được hấp thụ vào không cố ý.
Câu chuyện này chắc chắn sẽ còn gây tranh cãi liên tục từ giờ cho đến khi Olympic 2024 khởi tranh. Trong quá khứ, bơi lội Trung Quốc từng không ít lần vướng vào lùm xùm với doping. Vụ việc điển hình gần đây nhất là chuyện kình ngư nổi tiếng Sun Yang bị cấm thi đấu 8 năm (sau được giảm còn 4 năm) do tìm cách phá hủy các mẫu thử doping.
Hải Anh