Những công việc chuẩn bị cuối cùng đang được thực hiện trước lễ khai mạc Olympic Tokyo vào thứ Sáu. Các nhà tổ chức đã nhiều lần khẳng định cuộc thi có thể được tổ chức an toàn, bất chấp những lời kêu gọi hủy bỏ cuộc thi vì lo ngại về Covid-19. Tuy nhiên, người đứng đầu ban tổ chức Tokyo 2020 cho biết, ông đang theo dõi chặt chẽ số lượng lây nhiễm và sẽ tổ chức "thảo luận" về tương lai của Thế vận hội nếu cần thiết.
Olympic mùa hè 2020 diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8, nhưng thực tế các môn thi đấu đã bắt đầu từ sáng 21/7. Thế vận hội sẽ có 33 môn thể thao diễn ra tại 42 địa điểm, hầu hết các sự kiện đều ở khu vực Tokyo, bóng đá và cuộc marathon sẽ diễn ra ở thành phố Sapporo.
Tại Nhật Bản, tính đến ngày 21/7, đã có 848.222 trường hợp mắc Covid-19 và 15.062 trường hợp tử vong (so với 5,5 triệu trường hợp và 128.800 trường hợp tử vong ở Anh). Nhật Bản chỉ bắt đầu tiêm chủng cho người dân vào tháng 2/2021, muộn hơn hầu hết các quốc gia phát triển khác. Chỉ 22% dân số gần 126 triệu người của Nhật Bản được tiêm chủng đầy đủ. Tại Tokyo và Osaka, hai thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt tăng đột biến gần đây, các nhà chức trách hy vọng những người trên 65 tuổi sẽ được tiêm phòng đầy đủ vào cuối tháng 7.
Nhằm phòng, tránh Covid-19, các vận động viên quốc tế và nhân viên hỗ trợ đều được kiểm tra y tế trước khi khởi hành và khi đến Nhật Bản. Các vận động viên đến từ Anh được yêu cầu cách ly ít nhất 3 ngày trước và sau khi đến Nhật Bản, họ sẽ được kiểm tra mỗi ngày. Các vận động viên không cần phải tiêm phòng, mặc dù các quan chức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) kỳ vọng khoảng 80% số vận động viên đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Một vận động viên taekwondo người Chile đã trở thành vận động viên Olympic đầu tiên bị cấm thi đấu vào ngày 21/7, sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tính đến trưa nay, đã phát hiện 75 thành viên các đoàn dự Olympic dương tính Covid-19, riêng ngày 21/7 đã phát hiện 8 người.
Hợp đồng giữa IOC và thành phố đăng cai Tokyo cho thấy chỉ IOC mới có thể hủy bỏ sự kiện. IOC được cho là kiếm được khoảng 70% tiền từ bản quyền phát sóng và 18% từ tài trợ. Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết ý nghĩ dời lịch thi đấu "khiến nhiều đêm mất ngủ", nhưng nhấn mạnh rằng Thế vận hội phải tiến lên "để nuôi hy vọng" cho tương lai.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng ủng hộ tổ chức đại hội vì cho rằng có thể cho thấy những gì được thực hiện với các biện pháp bảo vệ phòng Covid-19 chính xác.
Nhưng người đứng đầu ban tổ chức Tokyo 2020 Toshiro Muto đã không loại trừ việc hủy bỏ Thế vận hội Olympic ngay cả ở giai đoạn muộn này. Ông cho biết sẽ theo dõi các con số lây nhiễm và tổ chức các cuộc "thảo luận" nếu cần thiết. Nếu Ban tổ chức Tokyo hủy hợp đồng, rủi ro và thiệt hại có lẽ sẽ đổ về phía Nhật Bản. Ngân sách cho Tokyo 2020 được đặt ở mức 12,6 tỷ đô-la, mặc dù có thông tin cho rằng chi phí thực tế có thể cao gấp đôi.
Một số thị trấn nơi dự kiến là làng vận động viên được cho là đã rút lui vào đầu năm nay vì lo ngại về Covid và áp lực thêm lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vào tháng năm vừa qua, một hiệp hội bác sĩ Nhật Bản cho biết họ "không thể" tổ chức Thế vận hội vì đại dịch. Một cuộc thăm dò cũng trong thời gian đó trên báo Asahi Shimbun hàng đầu cho thấy hơn 80% dân số muốn hủy bỏ hoặc hoãn Olympic.
Các trường hợp gia tăng Covid-19 ở Tokyo đã phủ bóng đen lên sự kiện, vốn đã bị hoãn lại vào năm ngoái vì đại dịch, giờ sẽ diễn ra mà không có khán giả. Trong ngày thi đấu 21/7 ở môn bóng đá nữ và bóng mềm, các vận động viên đều thi đấu với các khán đài vắng vẻ.
P.V (theo Nhân Dân)