Theo các nguồn tin của báo Sydney Morning Herald, Djokovic bị từ chối visa nhập cảnh Australia khi đang trên chuyến bay từ Dubai tới Melbourne. Tay vợt số một thế giới đáp xuống sân bay Tullamarine, Melbourne lúc 23h30 ngày 5/1, giờ địa phương, rồi bị bắt giữ và yêu cầu trục xuất.
Chính quyền Liên bang Australia được cho là đã nhiều lần gửi thư cho Tennis Australia - đơn vị tổ chức Australia Mở rộng, để thông báo rằng việc nhiễm Covid-19 trong sáu tháng qua không phải là căn cứ để miễn trừ y tế. Nhưng với Djokovic, đây được xem là cơ sở để anh yêu cầu miễn trừ trong hồ sơ trình lên Hội đồng Y tế Australia tháng trước.
"Nhóm Tư vấn Kỹ thuật về Tiêm chủng Australia không xác nhận quy trình mà chính quyền Victoria hoặc Tennis Australia đưa ra để xin miễn trừ y tế", nguồn tin liên bang cấp cao nói với Sydney Morning Herald. "Lực lượng Biên phòng Australia làm đúng nhiệm vụ của họ, khi Djokovic không cung cấp đủ bằng chứng phù hợp việc miễn trừ".
Hồ sơ của Djokovic được cho là tương tự số ít tay vợt đã nhận miễn trừ y tế, trong 26 trường hợp nộp đơn. Những người này đến Melbourne trước Djokovic và đang tập luyện, thi đấu chuẩn bị cho Grand Slam đầu năm. Tennis Australia vì thế phản đối chính quyền liên bang, cho rằng Djokovic bị nhắm đến vì danh tiếng của anh.
"Tôi không biết chính quyền liên bang sẽ xử lý các tay vợt đã nhập cảnh với quyền miễn trừ y tế tương tự Djokovic như thế nào", một quan chức Tennis Australia nói hôm 6/1. "Với chúng tôi, điều này giống như liên bang đang cố gắng phản ứng với giới truyền thông, bằng cách cho các tay vợt nhập cảnh nhưng không phải là tay vợt số một thế giới".
Bà Jaala Pulford, Quyền Bộ trưởng Thể thao bang Victoria, cho biết Lực lượng Biên phòng Australia (ABF) đề nghị chính quyền bang Victoria hỗ trợ để Djokovic nhập cảnh. Nhưng, việc này không thuộc thẩm quyền của tiểu bang, mà thuộc chính quyền liên bang. Tranh cãi sau đó nổ ra trên Twitter khi phát ngôn viên của ABF khẳng định cơ quan này không yêu cầu Victoria bảo lãnh visa của Nole.
Thủ tướng Australia Scott Morrison sáng 6/1 phủ nhận Djokovic bị ABF "đánh lẻ". Nhưng ông cho rằng sự chú ý mà Djokovic gây ra đã làm hại anh. Theo Morrison, việc Djokovic thông báo nhận miễn trừ y tế để dự Australia Mở rộng trên mạng xã hội hôm 4/1 đã "tạo nên làn sóng chỉ trích đáng kể".
"Tôi không nghĩ ABF đối xử đặc biệt với Djokovic", ông Morrison phát biểu. "Nhưng họ sẽ hành động dựa trên các thông tin tình báo, sự chú ý của họ hướng đến những người có tầm ảnh hưởng là điều dễ hiểu. Khi bạn đưa ra thông tin công khai và khiến mọi người chú ý, bạn sẽ trở thành tâm điểm. Bất kỳ ai làm điều đó, từ chính trị gia, vận động viên, nhà báo hay người nổi tiếng đều sẽ bị đặt câu hỏi nhiều hơn người bình thường. Đó là cách ABF hoạt động".
Theo ESPN, Djokovic đã được Tennis Australia cho phép miễn trừ y tế. Tổ chức này phối hợp với hai Hội đồng Y tế độc lập của Chính phủ Australia để phê duyệt các đơn xin miễn trừ. Nhưng ABF thông báo không chấp nhận do hồ sơ của Djokovic vì thiếu bằng chứng phù hợp.
"Bằng chứng này được yêu cầu xuất trình tại biên giới với bất kỳ ai chưa tiêm chủng", ESPN dẫn lời nhà báo Australia Paul Sakkal. "Không rõ liệu một lần nhiễm Covid-19 trong sáu tháng gần đây có đủ để hoàn tất hồ sơ hay không. Đây được xem là lý do biện minh cho việc miễn trừ của Djokovic".
Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews cho biết quyết định cuối cùng phụ thuộc vào ABF. Bà nói: "Khi một người nhập cảnh vào Australia mà chưa tiêm chủng, họ phải cung cấp đủ bằng chứng được miễn trừ y tế. Chính quyền Victoria và Tennis Australia có thể cho phép một tay vợt thi đấu ở Australia Mở rộng, nhưng chính quyền liên bang cũng thực thi các yêu cầu của chúng tôi ở khu vực biên giới".
Theo Vnexpress