Chức vô địch Wimbledon 2021 mang về cho Djokovic 2,4 triệu USD tiền thưởng. Anh, nhờ thế, đạt tổng tiền thưởng sự nghiệp là 151,8 triệu USD. Trước Nole, không tay vợt nào vượt mốc tiền thưởng 150 triệu USD. Riêng từ đầu năm 2021, Djokovic kiếm 6,2 triệu USD nhờ ba chức vô địch Grand Slam – nhiều nhất làng banh nỉ.
Roger Federer từng lập kỷ lục 130 triệu USD tiền thưởng sự nghiệp, nhờ 103 danh hiệu ATP. Nhưng con số này đã bị Djokovic vượt qua cách đây hai năm. Trong khi đó, Rafael Nadal đạt 124 triệu USD từ 88 chức vô địch. Đứng thứ tư trong danh sách là Andy Murray, với 62 triệu USD - bằng một nửa Nadal. Huyền thoại Pete Sampras, dù giải nghệ gần hai thập kỷ, vẫn đứng thứ năm với 43 triệu USD.
Kiếm nhiều tiền thưởng nhất lịch sử quần vợt, nhưng tổng thu nhập của Djokovic vẫn kém Nadal và Federer. Kể từ khi chơi chuyên nghiệp năm 2003, tay vợt Serbia đã kiếm được 430 triệu USD. Theo Forbes, số tiền này gồm tiền thưởng từ giải đấu, phí ra sân và các hợp đồng thương mại. Nadal thì sở hữu 480 triệu USD, còn Federer đã cán mốc 1 tỷ USD.
Phí ra sân là khác biệt của Djokovic với hai đàn anh. Theo Forbes, năm 2011, khi ở đỉnh cao sự nghiệp, Djokovic thu về bảy triệu USD phí ra sân. Trong khi Nadal kiếm được 21 triệu USD trong năm đó. Năm năm gần đây, Djokovic đã thu hẹp cách biệt với kình địch Tây Ban Nha khi kiếm hơn 142 triệu USD ngoài sân đấu, chỉ kém Nadal tám triệu USD.
Nguồn thu ngoài sân của Djokovic tới từ các hợp đồng thương mại với Lacoste, Peugeot, Ultimate Group và Asics. Anh không đầu tư kinh doanh nhiều vào các lĩnh vực khác như Nadal và Federer. Chủ nhân 13 danh hiệu Roland Garros sở hữu nhiều bất động sản giá trị ở Tây Ban Nha và đang có kế hoạch thành lập thêm những học viện quần vợt mới, sau thành công của học viện đầu tiên tại Mallorca.
Federer thì sở hữu một công ty đại diện cho các tay vợt, là cổ đông của NetJets - công ty cho thuê máy bay cá nhân mà Djokovic cũng đang là khách hàng. Bên cạnh đó, Federer đầu tư vào thương hiệu ON để sản xuất các loại giày thể thao. Sau khi hết hợp đồng với Nike năm 2019, Federer thông qua ON để tự sản xuất giày thi đấu.
Chỉ riêng năm 2020, Federer bỏ túi 90 triệu USD dù gần như không thi đấu vì chấn thương. Huyền thoại Thụy Sĩ có những thỏa thuận dài hạn béo bở từ các thương hiệu lớn như Uniqlo, Credit Suisse, Rolex và Moet&Chandon. Theo Forbes, Federer là vận động viên thể thao có nhiều hợp đồng tài trợ giá trị nhất kể từ sau thời Tiger Woods năm 2014. Riêng Uniqlo trả Federer 300 triệu USD cho hợp đồng dài 10 năm, ngay cả trong trường hợp anh giải nghệ.
Federer nằm trong sáu VĐV còn thi đấu cán mốc thu nhập 1 tỷ USD. Năm ngôi sao còn lại là Tiger Woods, LeBron James, Cristiano Ronaldo, Lionel Messi và Floyd Mayweather.
Theo Vnexpress