Châu Âu sôi động
Trong khi tất cả đội bóng tại V-League 2021 giải tán và chờ đến tận tháng 2.2022 mới tiếp nối trở lại thì cuối tuần qua đồng loạt giải bóng đá vô địch quốc gia ở châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Đức đã sôi động trở lại. Thậm chí, giải vô địch quốc gia Pháp còn sớm hơn khi trước đó một tuần đã mở màn mùa giải mới với sự ra mắt của cầu thủ xuất sắc nhất thế giới Messi đến PSG.
Nhưng điều đáng nói hơn và khiến cho cả thế giới ngạc nhiên đó là việc bóng đá châu Âu đồng loạt rộng cửa đón khán giả vào sân sau hơn một năm “cửa đóng then cài” vì dịch Covid-19.
Nổi đình nổi đám nhất châu Âu có lẽ là sân của MU ở giải ngoại hạng Anh có hơn 72.000 khán giả ngồi chật kín. Các sân còn lại, số lượng có phần khiêm tốn hơn do còn e ngại vấn đề dịch bệnh nên chỉ cho khán giả vào sân với số lượng nhất định, song vẫn đủ sức để tạo ra một bầu không khí cổ động cuồng nhiệt như chưa bao giờ có dịch Covid-19.
Xem những hình ảnh này, đúng là đã lâu rồi mới có cảm giác hứng khởi và đầy thích thú đến như vậy. Thanh âm rộn ràng vang vọng trên khán đài giúp cho các cầu thủ dưới sân thi đấu nỗ lực và cống hiến hơn. Trước đó không lâu, EURO cũng đã diễn ra với hình ảnh khá đông khán giả vào sân ở một số quốc gia. Đời sống bóng đá ở châu Âu đã bắt đầu hồi sinh sau nỗ lực chống dịch của các quốc gia cho dù vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước.
Nỗi buồn châu Á
Trong lúc bóng đá châu Âu sôi động thì thật buồn cho châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng khi đang phải gồng mình chống chọi dịch bệnh. Olympic Tokyo vừa qua chứng kiến những sân vận động lặng ngắt do không có khán giả, chỉ các cầu thủ và thành viên ban tổ chức, lực lượng làm nhiệm vụ có mặt trên sân.
Đó có lẽ là một trong những kỳ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh buồn tẻ khi diễn ra trong không khí thiếu đi những màn cổ vũ đầy màu sắc từ hàng ngàn cổ động viên trên khắp các khán đài.
Bóng đá phải có khán giả nên những trận đấu bóng đá trên đất Nhật Bản tại Olympic dù có chuyên môn khá cao song lại không có được sự bùng nổ, kịch tính, kể cả yếu tố máu lửa trong từng pha tranh bóng của các cầu thủ trên sân.
Với bóng đá Việt Nam, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng nặng nề hơn. Mùa giải chuyên nghiệp năm 2021 diễn ra khá rộn ràng nhưng chưa được nửa chặng đường, thậm chí giải hạng Nhì mới khai mạc và chưa thi đấu xong các trận đấu vòng 1 đã buộc phải dừng lại dài hạn từ tháng 5 cho đến nay.
Đã chốt phương án quay trở lại vào tháng 2.2022 với V-League, tháng 11.2021 với giải hạng Nhất và một số giải đấu khác nhưng không ai đảm bảo kế hoạch này được thực thi khi mà dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đội bóng hiện nay đã giải tán, huấn luyện viên, cầu thủ ai về nhà nấy để tránh dịch, chờ ngày trở lại sân cỏ.
Hiện nay, kênh bóng đá quốc nội duy nhất mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam có thể thưởng thức là đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu tại vòng loại cuối cùng World Cup (6 trận trong năm 2021 và 4 trận năm 2022). Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, kế hoạch đón khoảng 30% lượng khán giả vào sân Mỹ Đình trong trận Việt Nam gặp Úc vào ngày 7.9 tới không thể thực hiện.
Thay vào đó, trận đấu này sẽ diễn ra mà không có khán giả. Đây là điều khá đáng tiếc cho người hâm mộ và thầy trò HLV Park Hang Seo khi mất đi lợi thế từ sự động viên của khán giả nhà. Trước đó, HLV Park Hang Seo cùng các học trò có chuyến làm khách của Saudi Arabia vào ngày 2.9. Ngoài ra, trong năm 2021 đội tuyển Việt Nam còn 2 trận diễn ra tháng 10 (sân khách), 2 trận tháng 11 (sân nhà).
Bóng đá châu Âu từng trải qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và nay trở lại đầy hào hứng. Hy vọng trong tương lai gần, bóng đá Việt Nam cũng sẽ làm được điều tương tự để phục vụ người hâm mộ.
ANH SẮC