Trong 30 năm qua kể từ khi được thành lập, (theo quyết định số 500/TTg do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 20/12/1976) Uỷ ban Olympic Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự thành công chung của toàn ngành trên các mặt công tác: thể thao cho mọi người, công tác đào tạo, quan hệ hợp tác quốc tế và đặc biệt là thể thao thành tích cao.
Trải qua các kỳ tham dự Đại hội thể thao khu vực ĐNA (từ SEA Games 15 đến SEA Games 23), đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 1.036 huy chương các loại và trở thành một trong những quốc gia có phong trào thể thao Olympic phát triển mạnh nhất khu vực. Đặc biệt, tại SEA Games 22 - lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, đã có 3.726 VĐV, 1.058 HLV, 2.209 trọng tài, 142 quan chức kỹ thuật, 200 khách mời, 1.068 phóng viên quốc tế và 2.300 phóng viên trong nước tham dự Đại hội.
Đây cũng là lần đầu tiên có tới 11 nước tham gia tranh tài ở 32 môn thể thao và 442 nội dung trong chương trình thi đấu chính thức của Đại hội. Đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên đứng thứ Nhất trong bảng tổng sắp huy chương với 155 HCV, 97 HCB và 91 HCĐ. Thành công vang dội về thành tích cũng như công tác tổ chức Đại hội là sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành TDTT, của các cán bộ quản lý, HLV, VĐV, trọng tài và một phần quan trọng không thể thiếu của Uỷ ban Olympic Việt Nam.
Tại các kỳ ASIAD, Việt Nam được xếp hạng trung bình khá trong số các nước Châu Á. Năm 2002, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã khai thác có hiệu quả chương trình học bổng cho VĐV chuẩn bị tham dự ASIAD để tăng xuất ăn, mua sắm trang phục, dụng cụ tập luyện... cho các VĐV tập huấn tại các Trung tâm HLTT chuẩn bị tham dự Đại hội (VD: 3 học bổng đào tạo VĐV chuẩn bị tham dự Olympic Athen 2004, cấp kinh phí tham gia đào tạo 53 VĐV xuất sắc của 5 môn tham dự ASIAD 15, 1 học bổng cho VĐV trẻ được đào tạo dài hạn, chuẩn bị tham dự Đại hội Olympic tại London năm 2012...)
Tuy chưa gặt hái được nhiều thành công song đoàn thể thao Việt Nam đã tích luỹ được kinh nghiệm cũng như đánh giá chính xác trình độ của các VĐV qua các kỳ Đại hội Olympic - đấu trường lớn nhất hành tinh, thu hút sự tham gia tranh tài của nhiều nhà vô địch trên thế giới. Năm 2000, Việt Nam cử đoàn thể thao gồm 15 người (trong đó có 7 VĐV) tham dự Đại hội Olympic lần thứ 27 - Sydney tại Australia. Kết quả, đoàn thể thao Việt Nam giành được 1 HCB môn Teakwondo do công của nữ võ sỹ Trần Hiếu Ngân. Đây là tấm HCB đầu tiên của thể thao Việt Nam sau 5 lần tham dự Đại hội. Thành tích này có ý nghĩa to lớn đối với ngành TDTT, bởi từ đây trên bản đồ thể thao thế giới ,Việt Nam đã có vị trí nhất định.
Là một tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực TDTT, sau 30 năm xây dựng và phát triển, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu trong việc truyền bá tư tưởng Olympic, vận động phong trào thể thao cho mọi người, phối hợp với các liên đoàn, hiệp hội thể thao phát triển thể thao thành tích cao, tuyển chọn và tổ chức các đoàn thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội thể thao trong hệ thống Olympic như: SEA Games, ASIAN Indoor Games, ASIAD, Olympic. Xứng đáng với những kết quả đạt được, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã được Uỷ ban Olympic quốc tế công nhận là một trong các quốc gia điển hình trong khu vực các nước đang phát triển của phong trào Olympic quốc tế có đóng góp đáng kể trong phong trào Olympic.
Thanh Anh