Qua 6 năm triển khai thực hiện, hoạt động TDTT của tỉnh An Giang đã phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào thành tựu chung của tỉnh. Truớc tiên là sự chuyển biến về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về vai trò, lợi ích của TDTT trong đời sống xã hội, ý thức rèn luyện sức khỏe của người dân được nâng lên đáng kể. Điển hình là các cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo công tác TDTT, cụ thể hóa đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương, tổ chức kiểm tra định kỳ sơ kết đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW và Kế hoạch 12 – KH/TU. Phong trào TDTT được nâng lên rõ nét là kết quả thiết thực từ việc thực hiện trên.
Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến vùng nông thôn tham gia tập luyện, tạo thành phong trào quần chúng rộng khắp, từ thanh thiếu niên, học sinh- sinh viên, CNVC - LĐ, lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc Chăm, Khơme, Hoa, đến người cao tuổi. Qua đó, số người tập luyện TDTT thường xuyên tiếp tục tăng trưởng, theo số liệu thống kê, đến tháng 9 toàn tỉnh đã có 27,5% số người tập luyện TDTT thường xuyên (vượt kế hoạch 0,5%) và 22,5% (đạt 97,8% kế hoạch, ước đến cuối năm đạt 100% kế hoạch) số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Công tác giáo dục thể chất trong học đường được nâng cao chất lượng, số trường đảm bảo giờ thể dục nội khóa đạt 100%, 70% trường thực hiện thể dục ngoại khóa; 100% chiến sĩ công an và chiến sĩ quân đội rèn luyện thân thể theo quy định; 65% CNVC-LĐ tập luyện TDTT.
Thể thao thành tích cao tiếp tục được củng cố và giữ vững thành tích ở các giải thể thao toàn quốc, khu vực và quốc tế. Kết quả điển hình của việc thực hiện đó là đoàn thể thao An Giang đã giữ vững thành tích hạng nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ III – 2009 tại Đồng Tháp; tập trung nhiều VĐV vào đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 26 tại Lào; tổ chức thành công nhiều giải thể thao cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc...
Công tác xã hội hóa TDTT có chuyển biến tích cực, huy động nguồn lực xã hội ngày càng tăng, từ việc đầu tư xây dựng sân bãi đến việc hình thành các CLB, liên đoàn, tụ điểm tập luyện và tổ chức các giải thi đấu. Với sự tăng nhanh số lượng tụ điểm, CLB TDTT đã đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực cho nhân dân; xây dựng lối sống lành mạnh và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Nổi bật trong công tác xã hội hoá chính là sự tham gia của các doanh nghiệp như: công ty Cổ phần Công nghệ quốc tế An Đô, công ty Cổ phần BVTV An Giang, Công ty Agifish, công ty Cổ phần Thể thao Động Lực... tài trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao. Tổng số tiền tài trợ lên đến trên 12 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2009.
Bên cạnh đó, Bộ môn Xe đạp của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao vận động tài trợ được 300 triệu đồng để tham dự các giải thể thao gồm: giải Xe đạp Cúp Truyền hình Bình Dương, Cúp Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và giải Xe đạp về Điện Biên; giải Xe đạp về nông thôn tranh Cúp Bảo vệ Thực vật An Giang lần thứ XIV – 2009, giải Xe đạp nữ toàn quốc mở rộng tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ X – 2009, giải Xe đạp ĐBSCL lần thứ 18 – 2009 Cúp Vinaphone.
Ngọc Khánh