 |
Vật dân tộc - môn thể thao giàu bản sắc văn hoá dân tộc luôn hấp dẫn người xem (Ảnh: T.Giang) |
Và ở hầu hết khắp các địa phương, hoạt động thi đấu thể thao dân tộc từ xa xưa vốn chỉ gắn bó với những miền quê, nhưng ngày nay, trong xu thế phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân đã từng bước được nâng cao, các hoạt động thi đấu thể thao - không chỉ góp phần nâng cao sức khoẻ mà còn là món ăn tinh thần của người dân cũng có những thay đổi theo hướng theo hướng đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung cũng như địa điểm tổ chức... Tuy nhiên, cái cốt lõi vẫn đảm bảo được nét văn hoá đặc sắc, truyền thống của các môn thể thao dân tộc.
Trong những năm trước đây, tại Bắc Giang, hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc thường chỉ diễn ra ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh, nhưng nay được tổ chức thi đấu tưng bừng, náo nhiệt ngay tại trung tâm thành phố Bắc Giang. Đó là những hoạt động nằm trong chương trình Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ IV – năm 2010.
Cũng không mấy khác biệt so với những lần tổ chức trước, nội dung thi đấu các môn thể thao trong chương trình Ngày hội năm nay gồm 5 môn thể thao dân tộc đó là: Vật dân tộc, Kéo co, Bắn nỏ, Đẩy gậy và Cờ Tướng (Cờ bỏi - Cờ người). Bên cạnh đó, các trò chơi vận động dân gian như: Đu tiên, đi cầu kiều, bịt mắt đập niêu... cũng đã được tổ chức, góp phần tạo thêm những sắc màu dân tộc độc đáo tại Ngày hội. Có thể khẳng định, các hoạt động thi đấu thể thao đã góp thêm hồn khí cho Ngày hội, bởi các hoạt động thể thao dân tộc luôn thấm đẫm hồn dân tộc, hồn quê hương và khí chất của người nông dân Việt Nam.
Tại sới vật Ngày hội, tiếng trống vật đã thúc rộn ràng, âm thanh rất đỗi thân quen này đã thúc giục hàng trăm người nhanh chóng vây quanh sới vật. Ngược dòng ký ức, từ lâu, Bắc Giang đã được mệnh danh là “đất vật” xứ Bắc, trở thành điểm hẹn hấp dẫn cho đông đảo du khách yêu mến môn thể thao độc đáo này mỗi khi có dịp về thăm quê hương Bắc Giang. Đó là mỗi dịp xuân về, tại nhiều vùng quê của tỉnh lại rộn rã tiếng trống vật như một lời mời gọi, thúc giục và đã làm say đắm biết bao trái tim đam mê mỗi khi có dịp hội tụ bên sới vật làng. Hình ảnh những sới vật nằm nghiêng nghiêng, thấp thoáng bên bãi dâu, bãi ngô xanh mướt trên triền đê của bờ Bắc sông Cầu thơ mộng thuộc các huyện Việt Yên, Hiệp Hoà đã trở thành điểm nhấn đặc trưng của “đất vật” Bắc Giang.
Trong Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc năm nay, không diễn ra trong tiết xuân tràn ngập đất trời, sới vật không phải được đặt bên triền đê, hay bên mái đình làng cổ kính mà sới vật được lập ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Giang. Đó chính là cách “mang làng ra phố”, giúp cho những du khách và quần chúng nhân dân tham gia Ngày hội có được những phút giây hoài niệm thật ngọt ngào. Tham gia chương trình thi đấu vật tại Ngày hội năm nay có 17 đô vật ưu tú đại diện cho 7 huyện, thành phố tham gia đua tài. Các đô vật thi đấu tại Ngày hội đã trình diễn đủ mọi lệ tục độc đáo của vật dân tộc, đó là mình trần, đóng khố, đi chân trần; trình diễn màn xe đài đặc trưng của mỗi “lò” vật; hay các đô vật phải nghiêm túc thực hiện theo tiếng trống của người “cầm trịch” (trọng tài) như: tiếng trống chầu bái tổ, tiếng trống xe đài 3 ra 3 vào và tiếng ra tang (người cầm trịch đánh vào tang trống)... Đó chính là những lệ tục độc đáo của vật dân tộc, không giống bất cứ môn thể thao nào trên thế gian này. Hoà mình trong vòng người vây quanh sới vật tại Ngày hội, tôi ấn tượng mãi với lời nói của một bậc cao niên trong lúc cao hứng: “xem vật dân tộc phải hiểu rõ ý nghĩa qua từng thủ tục, động tác; hiểu rõ sở trường, sở đoản của mỗi đất vật mới hay. Kiểu xe đài kia đích thị là đô vật đến từ Hiệp Hoà rồi....”
Nếu như các đô vật Bắc Giang đã trở nên “khét tiếng” trên các sới vật quốc gia từ lâu, thì hiện nay trong giới thể thao dân tộc lại nổi lên những vận động viên (VĐV) Đẩy gậy của Bắc Giang khiến bạn bè cả nước phải ngỡ ngàng về sức mạnh của mình. Hội tụ tại Ngày hội lần này, có 55 VĐV đẩy gậy đến từ 10/10 huyện, thành phố tham gia đua tranh tại 4 hạng cân dành cho nam và 4 hạng cân dành cho nữ. Các VĐV đã thi đấu hết mình, cống hiến cho khán giả nhiều trận đấu căng thẳng, hấp dẫn. Được biết, Đẩy gậy là môn thể thao dân tộc đặc trưng của đồng bào vùng núi cao, có luật chơi đơn giản, dễ tổ chức, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và địa hình phức tạp của các địa phương miền núi. Để tổ chức thi đấu Đẩy gậy, chỉ cần vẽ một vòng tròn có đường kính 5m và một chiếc gậy bằng tre dài 2m được sơn 2 màu trắng - đỏ, 2 VĐV tay cầm 2 đầu gậy, đứng trong tư thế đã qui định rồi dùng lực đẩy, VĐV nào bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Do có sự định hướng chiến lược của ngành VHTT&DL tỉnh, những năm vừa qua, phong trào Đẩy gậy không chỉ phát triển ở các huyện miền núi mà nay đã trở thành phong trào mạnh mẽ ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Chính vì thế, Bắc Giang luôn lựa chọn được đội tuyển Đẩy gậy hùng mạnh liên tục thống trị trên các sàn đấu cấp quốc gia, trở thành “thương hiệu” khiến bạn bè các tỉnh từ khắp mọi miền của đất nước phải tìm đến học tập kinh nghiệm gây dựng phong trào và phương pháp tổ chức tập luyện môn thể thao dân tộc này.
Khác với Vật và Đẩy gậy, Bắn nỏ là môn đòi hỏi sự khéo léo trong thao tác, điềm tĩnh trong thi đấu. Luyện tập và thi đấu Bắn nỏ sẽ luyện cho đôi tay chắc khoẻ, đôi mắt tinh nhanh. Đây là môn thể thao được “chuyển thể” từ thói quen đi rừng của người dân vùng núi, họ dùng nỏ để săn bắn thú rừng, tự vệ và chiến đấu với giặc thù. Vào những ngày hội mở, tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế..., các nam thanh, nữ tú lại say mê thi thố tài năng bắn nỏ nhằm tái hiện lại nét sinh hoạt truyền thống của cha ông. Thi đấu Bắn nỏ tại Ngày hội này cũng không nằm ngoài mục đích ấy, đồng thời cổ vũ phong trào thi đấu Bắn nỏ ở cơ sở nhằm hướng tới tuyển chọn, đào tạo VĐV Bắn nỏ thi đấu thành tích cao. Chuỗi các hoạt động thi đấu thể thao dân tộc tại Ngày hội năm nay được khép lại bằng trận thi đấu Cờ người vô cùng đẹp mắt, thu hút được đông đảo khán giả tới thưởng thức, chiêm ngưỡng và biểu dương...
Nét văn hoá độc đáo của các môn thể thao dân tộc được hội tụ và khoe sắc tại Ngày hội Văn hoá, Thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang năm nay đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của ngành chức năng. Đây là cách bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, ghi dấu những đặc trưng của quê hương cho hôm nay và mai sau.
Trường Giang