Sau những ngày thi đấu căng thẳng, các VĐV của chúng ta đều không thành công tại giải vô địch điền kinh Châu Á diễn ra tại Hàn Quốc. Sau khi Bùi Thị Nhung thất bại ở những ngày thi đấu đầu tiên, hy vọng huy chương đặt hết cả vào Đỗ Thị Bông (ĐKVĐ SEA Games 22 nội dung 800m) và Nguyễn Duy Bằng nhưng đoàn Việt Nam vẫn không giành được huy chương nào.
Duy Bằng đã phải rời hố nhảy khi 3 lần để rơi xà ở mức 2.23m, anh chỉ đứng thứ 4 ở mức xà 2,19m mà không thể vượt qua mức xà chính anh thiết lập năm 2004 (2,25m). Tuy nhiên với thành tích này, Duy Bằng vẫn đứng vị trí đầu của các nước trong khu vực Đông Nam Á tham dự giải lần này.
Dù lọt vào chung kết nội dung sở trường (800m) nhưng Đỗ Thị Bông cũng chỉ dừng lại ở vị trí 6/8 với thành tích 2.07.31 (thua xa kỷ lục quốc gia cô đã lập được tại giải TP HCM mở rộng vừa qua, 2:04.6). Nếu như so sánh bảng thành tích của 8 VĐV trong vòng chung kết thì không có VĐV nào có thành tích tốt như của Việt Nam. Tuy nhiên, chị đã không có được phong độ để có thể đạt thành tích cao hơn.
Đỗ Thị Bông và Thanh Hằng đều không thành công ở nội dung 1500m. Giành HCV ở nội dung này là VĐV Nhật Bản (Sugimoris Miho, 4:12.69) và HCĐ (Kobayashi Yuriko, 4:14.15). Tuy chỉ về đích thứ 6 nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho sự nỗ lực trong quá trình tập luyện của Trương Thanh Hằng (4:21.10). Nếu so với thành tích tại SEA Games 22 của Lan Anh (4:19.48) thì từ nay đến SEA Games 23 Thanh Hằng vẫn còn phải cố gắng hơn nữa.
Kết thúc giải, Trung Quốc đã xuất sắc giành ngôi vô địch với 15 HCV, hơn Qatar đứng vị trí thứ hai tới 9 HCV.
Thái Lan đứng đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á khi xếp hạng 9 toàn đoàn với 1HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Tiếp theo là Malaysia 1 HCB và 1HCĐ, Singapore và Philippines cùng giành 1 HCĐ.
Làm sao để phong độ các VĐV Việt Nam đạt mức cao nhất trong những ngày thi đấu, tránh tình trạng để tuột mất huy chương trong tầm tay khi ngày Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á đang đến gần? Nghe như đơn giản, nhưng đó là một bài toán khó cho các nhà chuyên môn.
HX