 |
Dân ca quan họ Bắc Ninh sẽ được bảo tồn và phát triển
(Ảnh: NPV) |
Với nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi như: Hội thảo khoa học “Bắc Ninh với Vương triều Lý”, trưng bày “Di sản văn hóa thời Lý và cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh”, Hội thi sinh vật cảnh và Thả chim bồ câu, Hội thi thả diều, Trưng bày đá quý, đá cảnh và gỗ lũa, Thi nấu cơm nồi đất, thi đấu môn Điền kinh, Vật, Cầu lông… Festival Bắc Ninh 2010 đã vẽ lên bức tranh sinh động với nhiều màu sắc rực rỡ về một mảnh đất thân thiện, mến khách và giàu truyền thống thượng võ, khoa bảng và đang năng động chuyển mình cùng đất nước.
Trong buổi lễ bế mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Trần Văn Tuý - Trưởng BTC Festival đã trao Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh cho 40 nghệ nhân quan họ cao tuổi. Ngoài ra, các đơn vị có thành tích xuất sắc trong Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI cũng được UBND tỉnh trao tặng Bằng khen, cờ thi đua.
Như vậy, sau Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại mà Việt Nam sở hữu. Chính bởi ý nghĩa lớn lao ấy mà kể từ nay, người dân Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung cần nhận thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương mình.
Dân ca quan họ Bắc Ninh là một sinh hoạt văn hóa thể hiện tâm hồn, trí tuệ, cốt cách của con người Bắc Ninh, đã tồn tại lâu đời. Thông qua lời ca, tiếng hát đằm thắm; âm nhạc, ngôn từ dịu ngọt; cùng với trang phục, dáng điệu thanh lịch của người hát Quan họ đã tạo nên nét văn hóa đặc sắc của vùng quê Kinh Bắc. Với việc UNSECO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, cùng với Ca trù đã trở thành tài sản chung, giá trị chung của nhân loại, được cả thế giới biết đến, trân trọng, và sẽ được bảo tồn, phát huy theo Công ước của thế giới…
|
NPV