Thực tế cho thấy qua 3 kỳ SEA Games gần đây, làng bóng bàn (BB) nữ VN đã tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực (không tính Singapore toàn là VĐV gốc Trung Quốc) như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Trong lúc đó họ cũng được tập huấn và thi đấu quốc tế như đội tuyển nam. Tại sao?
Nhớ lại trước đây ở SEA Games 16 tại Philippines, đội nữ VN với 2 danh thủ Nhan Vi Quân (TPHCM) và Trần Thu Hà (Hải Phòng) đã thi đấu xuất sắc và đem về cho nước nhà chiếc HC vàng đồng đội. Ngoài ra, tuyển thủ Ngô Thu Thủy (Hà Nội) cùng với Vũ Mạnh Cường (Hải Dương) cũng giành được chức quán quân ở nội dung đôi nam nữ phối hợp tại SEA Games 18. Rồi Vi Quân còn đoạt thêm chiếc HC bạc đơn nữ SEA Games 1991 và Thu Thủy giật thêm chức á quân đơn nữ SEA Games 1993. Còn tại SEA Games 21, đội tuyển nữ BB VN đã một lần làm bàng hoàng làng bóng nhựa nhỏ cả nước, họ đã không đoạt được một suất nào ở vòng bán kết cả 4 nội dung tham dự gồm: đồng đội, cá nhân, đôi nữ và đôi nam nữ. Đặc biệt ở giải đồng đội nữ, có 5 nước trong khu vực tham gia tranh tài vòng tròn một lượt, cả 3 tay vợt kỳ cựu Thu Thủy, Mai Thy, Phương Linh đều thua cả 4 trận trước Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và an phận với vị trí "đèn đỏ" hạng năm! Đây là thành tích thấp nhất của đội tuyển nữ BB VN sau 7 lần tham dự SEA Games từ 15 đến 21. Thất bại nặng nề đó không được ban huấn luyện cũng như VĐV đội tuyển nữ rút kinh nghiệm "nghiêm chỉnh", mà chỉ tổng kết sơ sài qua loa lấy lệ.
Tiếp đó tại SEA Games 22 ngay trên sân nhà, đội nữ BB VN lại tiếp tục trắng tay với thành phần đội hình chính gồm: 2 VĐV đàn chị kỳ cựu Thu Thủy, Mai Thy, 2 VĐV trẻ Mai Xuân Hằng, Lương Thị Tám. Thất bại trên đã làm cho VĐV trụ cột Ngô Thu Thủy quyết tâm chuyển sang công tác huấn luyện. Có lẽ Liên đoàn BBVN cũng như bộ môn BB (Uỷ ban TDTT) cần có định hướng với những phương án rõ ràng để đầu tư có chiều sâu hơn nữa như: Gửi một đội hình khoảng 5 VĐV thiếu niên triển vọng từ 15 tuổi trở xuống đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc và hàng năm chỉ về một lần tham gia giải Cây Vợt Vàng quốc tế. Vì giải này có chất lượng chuyên môn hơn tầm khu vực Đông Nam AÁ và qua đó sẽ có điều kiện thẩm tra thực tế trình độ của VĐV sau 1 năm khổ luyện tại nước ngoài. Nếu VĐV đảm bảo được lối đánh hiện đại và chỉ tiêu chuyên môn của năm đó thì sẽ được đầu tư tiếp tục. Còn không sẽ bị loại và thay thế VĐV triển vọng trong nước khác.
Giới chuyên môn cũng như khán giả hâm mộ môn bóng nhựa nhỏ hy vọng ban lãnh đạo, ban huấn luyện và các tuyển thủ nữ nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục, thì vài năm tới mới có cơ may hoà nhập thành tích với các nước trong khu vực. Ngược lại, các VĐV nữ Đông Nam AÁ đã có bước tiến khá nhanh trong thời gian gần đây, nhất là tại Olympic Athens cả 2 VĐV Li Jia Wei, Yuang Xue Ling (cùng Singapore) đã vào tới vòng tứ kết giải đơn nữ và chung cuộc Li Jia Wei đã xuất sắc thắng tay vợt hạng nhì thế giới Wang Nan (Trung Quốc), và chỉ chịu dừng bước ở vòng bán kết. Ngoài ra, còn hàng loạt các VĐV khác như Nanthana, Anissara (Thái Lan), 2 chị em Beh Lee Fong, Beh Lee Wei (Malaysia)... đã nâng cao chuyên môn lên rất rõ trong 2 năm trở lại đây. Trong thời điểm hiện nay, các VĐV nữ VN không phải là đối thủ của họ.
Theo Báo Lao động