Mặc dù chưa giành được thành tích vang dội tại các đấu trường Châu lục như các môn thể thao khác: Teakwondo, Karatedo, Wushu... Song Bóng bàn Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực thể thao thành tích cao và giành được vị thế nhất định tại khu vực Đông Nam Á. Những dấu mốc quan trọng như: SEA Games 20 - Brunei (2 HCB, 3 HCĐ); SEA Games 21 - Malaysia (1 HCV, 3 HCĐ); SEA Games 22 - Việt Nam (1 HCV, 2 HCĐ); SEA Games 23 - Philippines (1 HCB, 3 HCĐ); tại các giải Vô địch ĐNA lần thứ 2 - Malaysia (2 HCB, 4 HCĐ); lần 3 - Indonesia (1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ); lần 4 - Việt Nam (3 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ); lần 5 - Thái Lan (1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ) và rất nhiều huy chương các loại tại giải Vô địch trẻ ĐNA đã phần nào nói lên sự thành công ấy.
Trong bối cảnh phải đương đầu với làn sóng nhập ngoại của một số quốc gia như: Malaysia, Singapore..., để có được thành công trên phải kể đến sự quan tâm của lãnh đạo Uỷ ban TDTT, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, sự tâm huyết và nỗ lực khổ luyện của tập thể HLV, VĐV - những người đã trực tiếp làm rạng danh cho thể thao nước nhà, tiêu biểu là những gương mặt: HLV Nguyễn Thế Hùng (Hải Phòng), Nguyễn Đình Phiên (Hà Nội); VĐV Vũ Mạnh Cường (Hải Dương), Trần Tuấn Quỳnh (Hà Nội), Đoàn Kiến Quốc (Khánh Hoà)...
Đặc biệt, sự kiện VĐV Đoàn Kiến Quốc được tham dự Thế vận hội Olympic Athen năm 2004 - Đại hội Thể thao lớn nhất hành tinh đã cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của Bóng bàn trẻ Việt Nam cũng như xu hướng hội nhập, phấn đấu tiến kịp các cường quốc mạnh về môn thể thao này trong khu vực, châu lục và thế giới.
Trong suốt những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng HLV luôn được Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, là yếu tố tiên quyết tạo nên thành công của Bóng bàn Việt Nam. Nhiều lượt HLV trẻ đã trưởng thành được tham dự các khoá bồi dưỡng chuyên môn do Liên đoàn bóng bàn quốc tế tổ chức, tham gia các giải quốc tế nhằm nâng cao trình độ như: HLV Trần Tuấn Anh, Nguyễn Minh Hiền, Lê Đức Thọ, Nguyễn Danh Hoàng Việt, Lê Xuân Phong, Chu Hồng Hạnh... Đội ngũ trọng tài cũng đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, những kiến thức về luật và năng lực tổ chức điều hành các giải quốc gia và quốc tế đều có sự tiến bộ đáng kể. Nổi bật là lực lượng trọng tài nước ta đã điều hành thành công các nội dung thi đấu của môn Bóng bàn tại SEA Games 22, ASIAN Paragames 2 (2003) và giải Vô địch Bóng bàn ĐNA lần thứ 4 (2004) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam; một số trọng tài có đủ khả năng về chuyên môn và ngoại ngữ được mời tham gia điều hành các giải quốc tế.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo VĐV trẻ cũng rất được quan tâm. Các địa phương là những đơn vị có nhiều đóng góp trong đào tạo, huấn luyện bổ sung lực lượng vận động xuất sắc cho đội tuyển quốc gia. Những gương mặt tiêu biểu như: Lê Thị Tám, Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Trà My, Nguyễn Nam Hải, Hà Minh Tuấn... chắc chắn sẽ là lực lượng VĐV kế cận cho thế hệ đàn anh, đàn chị, tiếp tục phát huy truyền thống, nâng cao vị thế của Bóng bàn Việt Nam trên các đấu trường khu vực và Châu lục.
Vừa qua, tại Đại hội Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam lần thứ IV (được tổ chức tại Nha Trang - Khánh Hoà), Ban Chấp hành mới do ông Lê Truyền - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn Việt Nam cũng đã xác định: Bên cạnh việc chú trọng, đầu tư cho TDTT quần chúng, tiếp tục phát triển sâu rộng phong trào tập luyện Bóng bàn trong cả nước, để môn Bóng bàn không chỉ đến với thanh, thiếu niên mà còn thu hút đông đảo các tầng lớp trong xã hội tham gia gồm những người trung niên, người cao tuổi, từ những người lao động đến các đồng chí lãnh đạo. Bóng bàn Việt Nam cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo VĐV đẳng cấp cao, hướng tới loại hình bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp.
Muốn xúc tiến nhanh mục tiêu này, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng đã xác định rõ các giải pháp, trong đó xây dựng được hệ thống đào tạo tốt ở tuyến dưới, tập trung triển khai mô hình Trung tâm Bóng bàn các khu vực và tích cực tìm nguồn tài trợ, hỗ trợ cho các HLV, VĐV là 2 giải pháp trọng yếu, nhất thiết phải được tiến hành song song nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Nhiệm kỳ 5 năm (2006 - 2010) của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam không phải là dài để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, đối với NHM Bóng bàn Việt Nam thì những mục tiêu đó hoàn toàn có thể đạt được bởi họ tin vào những nền tảng đã có, tin vào thế hệ HLV, VĐV kế cận và hơn nữa là sự đoàn kết, nỗ lực của từng thành viên trong Ban chấp hành mới vì mục tiêu phát triển của Bóng bàn Việt Nam.
Xuân Nhi