Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước CHXHCN Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực (11/01/2007) và Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này. Tuy nhiên, đây không còn là vấn đề mới mẻ, là tâm điểm của mọi cuộc nói chuyện, hội thảo hay của giới truyền thông mà giờ đây mối quan tâm duy nhất của người dân là làm thế nào để tận dụng được các cơ hội mà WTO mang lại.
Không đơn thuần chỉ là những vấn đề về kinh tế mà sức ảnh hưởng lớn của WTO sẽ làm thay đổi phần nào trên các lĩnh vực: Giáo dục, văn hoá, xã hội... Thể thao cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng ấy. Trong bối cảnh đó, Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng đã và đang tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch với những bước đi kịp thời và thích hợp, góp phần củng cố vững chắc để nền Bóng đá nước nhà phát triển theo hướng hội nhập.
Hiện nay, Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mới đang trong giai đoạn thử nghiệm, tự hoàn thiện. Trải qua 6 mùa giải thử nghiệm (từ 2001 đến 2006), bên cạnh những thành công đã đạt được, có thể thấy công tác tiếp thị, tài trợ thương mại cho Bóng đá chuyên nghiệp mặc dù đã được quan tâm, đầu tư song hiệu quả đạt được chưa cao. Đơn cử như việc huy động nguồn lực tài chính của toàn xã hội cho Bóng đá ước tính khoảng 240 tỷ đồng/năm (tương đương 15 triệu USD) chưa bằng thu tiền bản quyền truyền hình bình quân 1 năm của một CLB chuyên nghiệp ở các nước có nền Bóng đá phát triển.
Điểm qua các mốc về công tác tài trợ, tiếp thị có thể thấy, sau 2 năm thua lỗ, Strata chấm dứt hợp đồng với VFF (trị giá 2.000.000 USD/năm, trong đó VFF 1.000.000 USD và 10 CLB 1.000.000 USD) vì vậy VFF đã chuyển sang ký hợp đồng với Công ty quảng cáo Đất Việt, thời hạn 4 năm (2003 -2007) nhưng do gặp phải khó khăn trong công tác tiếp thị nên 2 bên cùng thống nhất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Sau đó VFF tiếp tục chuyển sang ký hợp đồng với Công ty cổ phần phát triển Bóng đá Việt Nam (VFD). Như vậy, sau những khó khăn, vướng mắc trong công tác tài trợ, tiếp thị... VFF vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu nhất để phát huy khai thác tối đa nguồn thu từ hợp đồng của các nhà tài trợ. Chính vì vậy đến nay, VFF chỉ giữ lại quyền mang tên giải Vô địch Quốc gia và được đặt 12 biển quảng cáo trên các sân thi đấu.
Theo ông Đỗ Văn Ninh - Phó tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nguyên nhân chính còn tồn tại trong công tác tài trợ, tiếp thị cho Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phần lớn là do chất lượng của giải đấu chưa cao, thiếu tính chuyên nghiệp ở các VĐV. Hơn nữa, nguồn tài trợ cho Bóng đá chuyên nghiệp không ổn định do quyền lợi của nhà tài trợ chưa được bảo đảm; công tác quản lý, kế hoạch hoá nguồn lực tài chính trung và dài hạn rất bị động, gặp nhiều khó khăn...
Chính vì vậy, muốn nâng cao chất lượng Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó ưu tiên cho công tác tài chính tiếp thị bằng cách đào tạo, nâng cao trình độ chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp thị tài trợ, có chiến lược thu hút các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp mạnh đầu tư tài trợ cho Bóng đá, tăng nguồn thu từ bán vé, biểu tượng, ấn phẩm, huy hiệu...
Thiết nghĩ, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang trong quá trình hội nhập cùng khu vực và thế giới, công tác tiếp thị, tài trợ, phát triển hoạt động thương mại cho thể thao nói chung và Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết và cần được các nhà lãnh đạo ngành TDTT xem xét một cách cẩn trọng. Việc áp dụng các giải pháp đồng bộ sẽ góp phần "dứt điểm" tính nghiệp dư của Bóng đá Việt Nam để hướng tới nền Bóng đá chuyên nghiệp, tiến kịp các cường quốc phát triển mạnh về Bóng đá.
Xuân Nhi