Những người lạc quan nhất từng theo dõi bóng chuyền Việt Nam vài năm trở lại đây cũng không dám đặt cược vào Bưu Điện Hà Nội trong trận chung kết này, khi họ đã từng chứng kiến Thể Công “làm gỏi” những đối thủ khác trong vòng loại như thế nào. Trước trận đấu này, giới chuyên môn, người hâm mộ vẫn đánh giá Thể Công mạnh hơn hẳn Bưu Điện Hà Nội một bậc. Họ có lối thi đấu rất hiện đại: nhanh, mạnh, bất ngờ. Nhưng với hàng loạt tên tuổi đang nằm trong đội tuyển quốc gia như Văn, Quang, Thể Công tối qua tại nhà thi đấu Tân Bình lại thể hiện bộ mặt khác hẳn. Các VĐV áo lính này dường như phải chịu áp lực tâm lý bảo vệ danh hiệu vô địch đè nặng trong từng bước nhảy, đập bóng của mình khiến họ mất dần những ưu điểm. Trong khi đó, đội Bưu Điện Hà Nội lại như vừa được tiếp thêm một liều “doping” tinh thần tuyệt vời nào đó trong một ngày nghỉ sau trận bán kết. Bưu Điện Hà Nội khởi đầu sự bất ngờ trong ngày thi đấu cuối cùng của giải bằng việc vượt lên dẫn trước 1-0 (25/23) làm cả nhà thi đấu Tân Bình như muốn nổ tung.
Thất bại ngay ở ván đấu đầu tiên, nhưng ban huấn luyện đội Thể Công vẫn rất bình tĩnh. Họ tin rằng đấy chỉ là do các VĐV của họ chưa thật sự nhập cuộc. Nhiều cổ động viên nhiệt thành của đội bóng mặc áo lính này bắt đầu có dịp thể hiện niềm vui, khi Thể Công lấy lại sức mạnh, cân bằng tỷ số 1-1 bằng lối chơi nhanh sở trường.
Ván đấu thứ ba vô cùng căng thẳng khi cả hai so kè, tranh nhau từng điểm một. Nhưng những người tinh ý vẫn nhận ra Thể Công đã bắt đầu thể hiện sự căng thẳng. Những pha giao bóng, đập bóng mạnh khủng khiếp mà họ từng sử dụng trong các trận đấu trước giờ đây giảm bớt uy lực vì sự quá cẩn thận của mình. Nói đúng hơn là Bưu Điện Hà Nội đã hóa giải được lối chơi của Thể Công. Họ đoán được hầu hết những ý đồ của đối phương. Các pha đập bóng từ vạch 3m của Văn, đột kích từ cánh trái của Sơn, Quang liên tục chạm hàng rào chắn hoặc ra ngoài khiến họ mất bình tĩnh. Điểm số của ván đấu thứ ba này có lúc lên đến 23-23, làm cho những người có vấn đề về tim mạch bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, khi liên tục theo dõi cuộc đua tranh như thế. Bưu Điện Hà Nội bắt đầu tạo cơn địa chấn nho nhỏ làm lung lay chức vô địch quốc gia mà đã bốn năm liên tiếp trước đó thuộc về Thể Công, khi kết thúc ván đấu thứ ba cũng bằng thắng lợi 25/23.
Thể Công bước vào ván đấu quyết định bằng một khát vọng lớn lao. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn để họ có thể lật ngược thế trận. Thể Công tiếp tục thất bại trong ván đấu cuối cùng (23/25), giúp Bưu Điện Hà Nội đăng quang ngôi vị vô địch quốc gia.
Sau trận đấu chung kết nghẹt thở này, HLV trưởng đội Bưu Điện Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nói: “Thể Công có dàn cầu thủ tài năng, tuyệt vời và nhiều vận động viên nằm trong đội tuyển quốc gia nên luôn được đánh gia cao hơn chúng tôi. Nhưng những học trò của tôi hôm nay có một ngày thi đấu tuyệt vời. Chúng tôi đã khắc phục được lối chơi nhanh của Thể Công bằng một đấu phá hợp lý nên thắng trận”.
Trước trận đấu này, đội nữ Bưu Điện Hà Nội cũng đã giành được chiếc HC đồng khi vượt qua giấy Bãi Bằng cũng với tỷ số 3-1. Trận đấu tranh hạng ba dành cho các VĐV nữ này có chất lượng chuyên môn không cao, khi cả hai đều đánh mất khát vọng tranh đua.
Kết quả chung cuộc giải bóng chuyền đội mạnh quốc gia:
Nam:
Hạng nhất: Bưu Điện Hà Nội, nhì: Thể Công, ba: Công an TP HCM
Nữ:
Nhất: Bộ TLTT, nhì: Thái Bình, ba: Bưu Điện Hà Nội.
Các đội bóng phải xuống thi đấu hạng A1 năm sau: Bưu Điện TP HCM, XSKT Gia Lai (nam) và Thanh Hóa, Đồng Tháp (nữ).
- nguồn internet -