Theo kết luận của Hội đồng thể thao Châu Á hôm 3/6, môn Xe đạp đã được bổ sung một số nội dung của đua xe đạp lòng chảo, tuy nhiên quyết định này không ảnh hưởng tới kế hoạch tập luyện, tập huấn của đội tuyển Xe đạp Việt Nam. Bởi tham dự SEA Games 24 này, tuyển Xe đạp Việt Nam chỉ tham dự 2 nội dung là xe đạp đường trường (4 bộ huy chương cho cả nam, nữ) và xe đạp địa hình (2 bộ). Nội dung xe đạp lòng chảo Việt Nam không tham gia do chưa có lực lượng. Từ nay đến cuối năm, Xe đạp Việt Nam nói chung và tuyển xe đạp đường trường nữ nói riêng có rất nhiều giải đấu quan trọng, đặc biệt là SEA Games 24 và giải Vô địch Châu Á (tổ chức tại Thái Lan vào tháng 9 tới). Mục tiêu của đội tuyển Xe đạp đường trường nữ tại SEA Games 24 là giành được HCB (nội dung cá nhân tính giờ); HCB (nội dung xuất phát đồng hàng) ở và nếu có thể sẽ đổi màu huy chương.
Chuẩn bị chuyên môn
Mới đây, để kiểm tra trình độ và nâng cao tính cọ xát, Uỷ ban TDTT đã quyết định cho 6 VĐV (trong đó có 4 VĐV nhóm chính: Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Tp. Hồ Chí Minh), Võ Thị Phương Phi (Bình Dương), Lê Thị Ngọc Phương và Phạm Thị Thuý Liên (Đồng Tháp) và 2 VĐV nhóm trẻ là Trần Thị Phương Trang và Đặng Phương Thảo tham dự tour đường trường Thượng Hải, Trung Quốc từ ngày 31/5 đến 7/6 do ông Phạm Thanh Bình (Trung tâm HLTTQG II) làm trưởng đoàn và tại giải, các VĐV đã hoàn thành mục tiêu mà BHL đề ra.
Để nâng cao chất lượng chuyên môn trong giai đoạn nước rút, dự kiến đội tuyển Xe đạp đường trường nữ sẽ tham dự giải Xe đạp nữ quốc tế Cúp truyền hình An Giang; đợt tập huấn dài ngày tại Vũng Tàu vào tháng 7 tới; dự giải Vô địch châu Á (Thái Lan), Cúp truyền hình Hà Nội và một lịch trình chuẩn bị chuyên môn dày đặc tại các tỉnh Mộc Châu, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh từ nay tới SEA Games 24.
Những đối thủ đáng gờm
Mặc dù, đã đạt được phong độ thi đấu ổn định nhưng chúng ta chưa có những thông tin cụ thể về đường đua ở SEA Games 24 nên chưa thể dự đoán chính xác thành tích đạt được của các VĐV. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, để có được huy chương ở nội dung này, mỗi VĐV phải đạt được tốc độ trung bình 40 km/h (đối với địa hình bằng phẳng không có độ dốc). Vì vậy, các cua rơ của chúng ta đang cố gắng rút ngắn thời gian để vượt qua mốc an toàn. Sau khi phân tích, thu thập thông tin về các đội tuyển thì đối thủ của chúng ta ở cả 2 nội dung: xuất phát đồng hàng và cá nhân tính giờ chỉ có thể là 4 VĐV: Bibit Martines (Philippines); Satta Tricusuma (Indonesia); Champeng Non Tasin (Thái Lan) và Noor Alias (Malaysia). Đây là 4 VĐV có thành tích tương đương so với các VĐV Việt Nam ở các giải đấu trước. Vì vậy, chiến thắng sẽ thuộc về ai có bản lĩnh thi đấu vững vàng và xử lý khôn khéo các tình huống trên đường đua.
Hy vọng vào đội hình được trẻ hoá
So với năm 2006, thành phần đội tuyển tập trung hoàn toàn thay đổi. Chỉ còn duy nhất 2 gương mặt là Nguyễn Thị Hoàng Oanh (hạng 6 giải Vô địch Châu Á) và Võ Thị Phương Phi (hạng 8 ở ASIAD 15). Đây là 2 VĐV tới từ các CLB: Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương và có thành tích tốt nhất đội. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khả năng duy trì và nâng cao hơn nữa thành tích của 2 VĐV này lại cần phải có sự can thiệp của các biện pháp phụ như thuốc đặc hiệu, dinh dưỡng, các phương pháp mát xa hồi phục...
Vì vậy, dù vẫn tham gia thi đấu tại SEA Games 24 này nhưng về lâu dài để có đội hình tham dự các giải đấu tiếp theo, BHL đã xây dựng một đội hình trẻ, gồm những cua rơ có tuổi đời từ 1988 đến 1990. Trong số đó, phải kể đến Phạm Thị Thuý Liên (Đồng Tháp), chỉ trong một thời gian ngắn, cua rơ này đã thể hiện tốt kỹ thuật cũng như tâm lý thi đấu tại các giải quan trọng. Thành tích cao nhất của Thuý Liên đã vượt qua người đồng đội của mình để xếp hạng 4 chung cuộc tại giải Vô địch trẻ Châu Á năm 2006. Đây rất có thể sẽ là gương mặt tạo nên bước đột phá cho Xe đạp Việt Nam tại SEA Games 24.
Xuân Nhi