Nơi trổ tài của các cần thủ
Đã từ lâu, câu cá trở thành trò giải trí mới, thu hút khá đông người dân, từ giới đại gia lắm tiền nhiều của cho đến những người làm công ăn lương, công chức hay thậm chí là sinh viên, học sinh và người lao động phổ thông... Các điểm câu cá ở Hà Nội có khá nhiều và hoạt động này diễn ra cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt là vào dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, dân tình đổ xô đi câu cá rất đông ở những hồ câu sinh thái ven đô như Đông Anh, Gia Lâm, Đông Mỹ, Bát Tràng…
Người câu phải thật sự yêu thích câu cá, không ngại vật dụng cồng kềnh, không sợ bẩn và đặc biệt là kiên trì chờ đợi. Đó là lý do tại sao nhiều người chấp nhận lúc đi thì lịch sự, sạch sẽ nhưng lúc về đều lem luốc, lếch thếch. Nhiều người da đen bóng vì bắt nắng. Họ bị gọi vui là...“trời đày”, đội nắng, dầm mưa, lê la suốt cả ngày với chiếc cần bên hồ câu. Kết quả có khi không nhiều, song không ai nản, sáng không câu được thì chiều hay ngày mai lại vác cần đi tiếp.
Nói đến niềm đam mê câu cá thì ở Hà Nội không ai là không biết đến cái tên Phạm Trường Lâm. Anh Lâm luôn được giới câu cá nhắc đến đầy ngưỡng mộ, vì quá yêu thích câu cá mà sắm cả hồ câu cho riêng mình. Hiện anh là ông chủ của 3 hồ câu cá tại Đông Mỹ mang tên hồ câu Trường Lâm.
Khi được hỏi, vì sao lại có thú vui câu cá, nhiều người chia sẻ, gia đình đã yên ấm, bản thân không cần làm kinh tế, chỉ muốn thư giãn, vui vẻ. Chồng đi câu cả ngày vợ cũng không ca thán, thậm chí còn ủng hộ. Rồi nhiều lúc, cả nhà vợ chồng con cái cùng đi câu. Hiện nay, nhiều người đã lập nên các nhóm bạn và câu lạc bộ câu cá. Riêng ở Hà Nội tính sơ sơ cũng phải có đến gần 20 CLB mà điển hình như CLB câu cá thể thao Hà Nội, Tràng An, Mai Động, Sơn Tây, Sông Hồng, diễn đàn câu cá Phao Màu Hồng… Trong miền Nam là hội câu cá Sài Gòn, rồi hệ thống các CLB câu cá 4so9. Câu cá đã trở thành nếp sống, thói quen của nhiều người. Đây cũng là hoạt động giúp mỗi người thoát khỏi cuộc sống bộn bề, để trở về với những không gian xanh yên tĩnh và nhẹ nhõm. Câu cá giải trí thông thường luôn đem lại những phút giây sảng khoái, thư giãn hoàn toàn. Riêng câu cá thể thao còn rèn cho người câu thể lực, sự kiên trì và khéo léo.

Vui mừng với thành quả đạt được
Ngày 23/6 vừa qua, Giải Câu cá thể thao Hà Nội lần thứ nhất được tổ chức tại Khu du lịch Sinh thái Vĩnh Hưng. Đây là một sân chơi đầy bổ ích, thú vị và nó cũng là bước khởi đầu để câu cá được công nhận như một môn thể thao phong trào.
Trong câu cá, có hai loại hình câu chính là câu lục (câu chạm) và câu tay (móc mồi). Câu lục là sáu chiếc lưỡi câu không ngạnh sắc bén được tết lại với một viên chì cỡ bằng chiếc khuy áo dày độ 8 ly. Người ta thả mồi thính xuống đáy hồ rồi đặt bộ lưỡi lục (không mắc mồi) ngay tại vị trí đó, chỉnh làm sao cho sợi cước từ chùm lưỡi câu đến phao trên mặt nước luôn thẳng và có một độ căng nhất định. Cá đến ăn mồi thường sẽ chạm vào sợi cước, khiến phao lay động, người câu sẽ giật mạnh hay búng đầu cần tùy theo mực nước và khoảng cách câu. Khi đó chùm lưỡi sẽ lao từ đáy nước lên mắc vào con cá, thường thì sẽ là vào bụng con cá. Còn câu tay là người ta móc mồi trực tiếp vào lưỡi câu để dụ cá.
Anh Phạm Trường Lâm cho biết để thành công trong việc câu cá, người đi câu phải nghiên cứu rất nhiều thứ và tích lũy dần những kinh nghiệm cho mình. Ví dụ như loại cá nào thích mồi kiểu nào (thơm, tanh hay là vừa thơm vừa tanh). Người câu cá giỏi là người biết căn cứ vào hướng gió để phán đoán hướng đi của luồng cá. Khi cá đã cắn mồi rồi thì phải biết cách làm sao để “dìu” được cá lên bờ. Một yếu tố quan trọng nữa là phải biết cách chọn cần câu cho phù hợp với loại cá mình định câu…
Cẩm nang người câu cá
Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng cái cảnh nhìn chăm chăm vào cái phao dập dềnh trên mặt nước, cái dây bé như sợi chỉ lại có thể kéo được những con cá nặng đến 3, 4 thậm chí 5kg cũng đủ hứng thú để lôi cuốn người ta vào trò giải trí cũng yêu cầu năng khiếu này. Dù sao những người đi câu cũng cần biết đến những bí quyết sau:
- Trong những ngày nắng gắt, cá sẽ chậm ăn mồi, vì thế nên làm miếng mồi câu to hơn, rê chậm hơn để tạo sự chú ý của cá và chúng sẽ dễ đớp mồi hơn.
- Sau cơn mưa, cá thường đi ăn nhiều.
- Khi “dìu” cá không nên lôi cá sát về đầu cần hay chạm vào đầu cần.
- Khi gỡ lưỡi câu khỏi miệng cá vừa câu lên, nên cố gắng giữ cho cá ngửa bụng lên trên, cá sẽ ít giãy dụa và bạn sẽ không bị dính lưỡi câu vào tay.
- Kiểm tra thật kỹ đoạn dây dùng làm mối vì gần 60% các cú đứt dây khi dìu cá là do nút buộc không tốt.
- Khi đi câu nên mang theo ít nhất là 2 cần câu trở lên để phòng trục trặc.
- Đừng nghĩ xả mồi nhiều sẽ câu được cá, đơn giản chỉ làm chúng no bụng mà thôi, ít có cơ hội cắn mồi. Mỗi loại cá cần có loại mồi riêng khác nhau, tùy thuộc vào loại cá lớn, bé, hồ sâu hay cạn... chỉ cần bạn chuẩn bị mồi tốt cộng hiệu ứng phao nổi, sẽ làm cá mắc câu.
SONG LONG
Theo tapchithethao.vn