Được coi là một trong những quốc gia có phong trào Cầu lông phát triển sâu rộng, nhưng những thành tích mà Cầu lông Việt Nam đạt được qua các giải đấu trong nước cũng như quốc tế chưa làm thoả mãn sự mong đợi của các nhà chuyên môn cũng như NHM Cầu lông Việt Nam. Điều đó đã khiến lãnh đạo Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, bộ môn Cầu lông đang phải nỗ lực hết mình để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao thành tích của Cầu lông Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong số những cây vợt xuất sắc nhất Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh (Tp. Hồ Chí Minh) được coi là hy vọng duy nhất có thể giành huy chương tại đấu trường SEA Games 24. Nguyễn Tiến Minh không chỉ là một trong những tay vợt xuất sắc nhất của Việt Nam mà còn từng nổi lên như một "hiện tượng" của Cầu lông Châu Á (nằm trong top 50 tay vợt xuất sắc thế giới), nhưng do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt là trước sự đầu tư mạnh mẽ cùng sự tiến bộ vượt bậc của các VĐV đến từ các nước luôn dẫn đầu khu vực, Châu lục và thế giới về phong trào Cầu lông như: Indonesia, Malaysia... thì việc giành được huy chương tại đấu trường này không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi VĐV này phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt và sự nỗ lực hết mình mới mong tạo ra bước đột phá mới cho Cầu lông Việt Nam.
Ngay từ đầu năm 2007, để chuẩn bị cho SEA Games 24, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã đầu tư có trọng điểm cho tay vợt số 1 này với chế độ bồi dưỡng ở mức khá cao 650USD/tháng (đây cũng là mức bồi dưỡng cao nhất từ trước đến nay của môn thể thao này). Bên cạnh đó, Tiến Minh còn thường xuyên được sang Malaysia thụ giáo một HLV giỏi của nước này với học phí 1.200 USD/tháng. Chính sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Liên đoàn Cầu lông cũng như sự hỗ trợ đắc lực cả về vật chất lẫn tinh thần từ phía gia đinh, đã giúp Tiến Minh có những bước tiến nhảy vọt về trình độ chuyên môn lẫn kinh nghiệm thi đấu.
HCV giành được tại giải mời Robot Challenge (diễn ra vào tháng 5/2007) đã tạo cho Tiến Minh sự tự tin, đồng thời hé mở cho sự thành công của Minh ở những giải đấu tiếp theo. Con đường chinh phục đỉnh vinh quang không thể tránh khỏi những lúc khó khăn, thất bại, ở các giải mời tiếp theo của Singapore, Indonesia (diễn ra vào tháng 6 và tháng 7/2007), sau đó là đến giải Vô địch Châu Á, Tiến Minh đã liên tục thi đấu không thành công. Song qua những giải đấu ấy, cơ hội được giao lưu, cọ xát với những tay vợt mạnh đến từ nhiều quốc gia đã giúp Tiến Minh có thêm kinh nghiệm quý báu trong thi đấu. Đặc biệt, nghị lực phi thường, luôn vượt qua khó khăn với lòng quyết tâm cao độ và hơn tất cả đó chính là sự đam mê Cầu lông, cùng khát khao chiến thắng đã gúp Tiến Minh thêm tự tin và vững vàng hơn trước mỗi giải đấu.
Trong trận gặp tay vợt hạt giống số 4 Richard Vaughan (Xứ Gan- Anh), đối thủ được coi là mạnh (hơn Tiến Minh 13 bậc trong bảng xếp hạng thế giới) tại giải Mỹ mở rộng diễn ra vào cuối tháng 8/2007, và do thể lực không đảm bảo, Tiến Minh đã để thua với tỷ số 1-2. Nhưng những gì anh thể hiện tại giải đấu này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong giới chuyên môn cũng như NHM Cầu lông trong nước và bạn bè quốc tế.
Tại giải Cầu lông Macau mở rộng 2007 - một giải đấu thuộc hệ Grand Prix Gold có tổng giải thưởng lên đến 120.000 USD, diễn ra từ 2 đến 7/10, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã thi đấu xuất sắc ngay ở vòng đầu, loại hạt giống số 8 người Nhật - Shoji Sato với tỷ số 2-1 và tiếp tục khẳng định mình với chiến thắng thuyết phục trước tay vợt Kok Siang Teo của Malaysia (hạng 26 thế giới) với tỷ số 22-20, 21-7, giành quyền vào tứ kết... Giải đấu chưa kết thúc, nhưng những thành tích ban đầu mà Nguyễn Tiến Minh đã đạt được đã mở ra cho Cầu lông Việt Nam thêm hy vọng. Đó cũng là bước chuẩn bị quan trọng để Cầu lông Việt Nam tự tin hơn khi bước vào SEA Games 24.
HKT (tổng hợp)