 |
Thi Nấu cơm tại Festival Bắc Ninh (Ảnh: HXĐ ) |
Tại Festival Bắc Ninh 2010 (diễn ra từ ngày 14 – 18/4/2010), 2 trò chơi dân gian này đã được đưa vào chương trình hoạt động của Lễ hội như một phần thi hấp dẫn của các đơn vị. Cuộc thi diễn ra trong 3 ngày không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp với nhân dân các huyện, thị tham gia mà nó còn có ý nghĩa to lớn trong việc gìn giữ và bảo tồn nét truyền thống của cha ông ta.
Tiếp cận với 2 trò chơi dân gian này dưới góc độ thể thao, chúng tôi đã nhận được rất nhiều những ý kiến thú vị và đa phần những người tham gia trò chơi đều cho rằng, để có khả năng hoàn thành tốt phần thi cũng như đạt yêu cầu về tính thẩm mỹ, người chơi phải có sức nhanh, sức bền, sự khéo léo, linh hoạt và bản lĩnh tự tin.
Như ở trò Chạy Ró, mỗi vòng thi sẽ diễn ra trong khoảng 10 phút, một đội gồm từ 5 đến 10 người, thi đấu trên một khoảng đất rộng từ 60 đến 100m2. Người dự thi không được biết loại trang phục để trong ró cói. Khi Trọng tài đánh trống, ra hiệu lệnh xuất phát, người dự thi chạy đến chỗ đặt ró và chọn một chiếc cho mình rồi trở lại vi trí cũ. Tiếp đó, theo tiếng trống của Trọng tài, những người dự thi chạy thành vòng tròn rồi vừa chạy vừa mặc quần áo mà vẫn phải cầm ró cói. Chỉ khi nào tiếng trống dừng thì người chơi mới được quyền đặt ró cói xuống đất. Khi trống vang lên lại tiếp tục cầm ró cói lên rồi vừa chạy vừa mặc quần áo (người chơi có thể dùng tay hoặc miệng để mang theo ró cói). Chính vì cùng một lúc phải thực hiện nhiều tổ hợp động tác nên người chơi thường lúng túng và rất hay bị ngã; khả năng di chuyển cũng bị hạn chế nên phần thi diễn ra rất sôi nổi, nhận được sự cổ vũ của đông đảo quần chúng nhân dân. Người nào không phạm quy, mặc trang phục nhanh, đẹp mắt sẽ nhận được giải của BTC.
Không cần quá nhiều đến sức nhanh nhưng trò chơi thổi cơm lại đặc biệt nếu cao tính dẻo dai và khéo léo của người chơi. Ở phần thi này, các chị em phụ nữ sẽ gánh trên vai một quang gánh có nồi cơm niêu và rau, hoa củ quả, đi đánh tay đều bước để người đồng đội của mình châm lửa nấu cơm cho đến khi nào chín mới thôi.
Phần thi sẽ diễn ra trong vòng 30 phút và các chị em sẽ phải đi bộ hàng chục vòng sân (tuỳ vào diện tích không gian thi đấu), không được đi quá nhanh cũng không được đi quá chậm mà phải thật đều, uyển chuyển để người đồng đội nấu cơm (cũng trong tư thế đi bộ, lưng khom). Hơn nữa, trong quá trình di chuyển, người chơi còn phải “quẩy gánh” thật dẻo, miệng cười tươi để nhận được sử cổ vũ nhiệt tình hơn của khán giả. Kết thúc phần thi cơm của đôi nào dẻo, thơm sẽ được Ban giám khảo cho điểm cao và đoạt giải.
HXĐ