Công văn nêu rõ, các Sở GD&ĐT cần đặc biệt quan tâm đến công tác dạy học môn Bơi cho học sinh Tiểu học, có thể lồng ghép những tiết dạy Bơi vào chương trình môn học Giáo dục thể chất. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, Sở GD&ĐT cần có kế hoạch báo cáo với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phối hợp với các Sở, ban ngành để đưa ra lộ trình chi tiết trong việc tổ chức triển khai thí điểm dạy Bơi trong trường Tiểu học đạt hiệu quả cao nhất. Phấn đấu trong giai đoạn từ 2010 - 2015 cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai được mô hình thí điểm dạy Bơi trong các trường Tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương.
Để triển khai nội dung trên một cách hiệu quả Bộ GD&ĐT đã đề nghị các đơn vị thực hiện cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề như: Tăng cường công tác nhận thức, chỉ đạo và quảng bá tuyên truyền về phòng chống tai nạn đuối nước nói chung và cho học sinh cấp Tiểu học nói riêng để toàn xã hội thấy rõ nhiệm vụ dạy Bơi cho học sinh là vấn đề hết sức cấp thiết; đối tượng dạy Bơi là học sinh cấp Tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5; đặc biệt về cơ sở vật chất, giáo viên và thời gian tổ chức dạy Bơi phải phù hợp, đảm bảo ở điều kiện tốt nhất cho học sinh theo học.
Chương trình này trước tiên được tổ chức thí điểm tại các trường có điều kiện thuận lợi, sau đó nhân rộng và thí điểm theo cụm trường và hướng đến tổ chức dạy Bơi đại trà cho học sinh cấp Tiểu học. Chương trình được sự hỗ trợ của tổ chức Unicef và được đánh giá là một trong những điểm nổi bật nhất trong công tác giáo dục của ngành trong giai đoạn 2010 - 2015. Qua Chương trình, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất trong trường học - một trong những nội dung quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển TDTT nước nhà.
N. Hương