Đối với các nhà giáo ngày 20/11 đã trở thành Ngày Lễ trọng đại, là ngày những người làm công tác "trồng người" được tôn vinh và ca ngợi nhiều nhất, cũng là ngày để thế hệ học sinh nhớ đến công ơn dạy bảo của thầy cô và tìm lại những kỷ niệm không thể nào quên về mái trường đã bao năm gắn bó. Bên cạnh đội ngũ những thầy giáo, cô giáo, còn có những người hàng ngày vẫn thầm lặng cho việc giáo dục, chăm sóc các mầm non, tài năng của đất nước. Chính vì thế, mặc dù chưa một lần đứng trên bục giảng, nhưng ngày 20/11 vẫn có ý nghĩa đặc biệt với bà Vũ Thị Lộc - người đã có nhiều cống hiến, hy sinh thầm lặng cho trường Đại học TDTT I trong nhiều năm qua.
Sinh năm 1942 trong một gia đình đông con tại vùng quê nghèo của tỉnh Hải Dương, cô gái Vũ Thị Lộc năm xưa đã đăng ký theo học lớp Cao đẳng 6 tại trường Trung Cấp TDTT (nay là trường Đại học TDTT I). Thật may mắn, sau khi kết thúc khoá học, cô đã được giữ lại trường công tác và được phân công vào phòng cấp dưỡng. Công việc chăm nom cơm, nước cho các giáo viên, học sinh đã kéo dài suốt 28 năm với bao vất vả nhưng cũng thật đáng nhớ và đáng tự hào.
Kể lại khoảng thời gian này, bà Lộc nhớ lại: "Khổ nhất là những năm chống Mỹ, toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh của Nhà trường đều phải đi sơ tán tại 2 điểm là xã Thượng Lan - Việt Yên Bắc Giang và các xã Hưng Đạo, Quốc Tuấn và Đức Thắng thuộc huyện Hiệp Hoà - Bắc Giang nên mọi sinh hoạt đều diễn ra rất khó khăn. Cảnh ăn củ mài, khoai độn hay ngủ trong những lán lá được dựng tạm trong rừng là chuyện đương nhiên. Đó là còn chưa kể tới chuyện bị địch truy quét khó có thể giữ liên lạc với nhau... Tuy nhiên, bằng tinh thần đoàn kết chống giặc, tập thể Nhà trường đã cùng với Bộ đội tên lửa cao xạ và lực lượng dân quân tự vệ xã Tam Sơn (Từ Sơn - Hà Bắc) lập chiến công xuất sắc, phối hợp bắn rơi máy bay B52 và khắc phục kịp thời hậu quả do Mỹ ném bom, cứu dân, đào đắp công sự để tiếp tục chiến đấu".
Có thể nói, mỗi công trình thuỷ lợi, mỗi lần đắp đê chống lụt... đều có mồ hôi, công sức của tập thể thầy và trò trường Đại học TDTT I, trong đó không thể không kể đến có sự đóng góp của những cán bộ năng nổ, nhiệt tình như bà Lộc. Tiêu biểu nhất là các chiến tích: hàn khẩu đê Nhất Trai, cứu kho gạo Phù Lưu năm 1971, giúp dân cứu lúa năm 1984 đã để lại trong lòng nhân dân Hà Bắc những tình cảm sâu sắc khó quên.
Hoà bình lập lại, năm 1995, theo sự phân công, điều động của Nhà trường, bà được giao quản lý, chăm lo đời sống cho gần 200 VĐV trẻ (nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia, được đặt tại trường Đại học TDTT I). Rất nhiều VĐV trẻ từ khắp các tỉnh, thành trong nước đã được tuyển chọn và quy tụ về đây để tham gia chương trình đào tạo, gồm rất nhiều môn như: Bắn súng, Bóng bàn, Điền kinh, Bơi... Trong lứa VĐV ấy đã có nhiều người thành đạt với vai trò là VĐV, trở thành tuyển thủ quốc gia thi đấu thành công trên đấu trường khu vực và châu lục như; Trí Kiên, Danh Nam (Bắn Súng), Đoàn Thị Cách (Đua thuyền), Thanh Hoa (Điền kinh)... Có thể nói trong thành công của chương trình đào tạo VĐV trẻ hồi ấy phải ghi nhận sự nỗ lực của tập thể thầy và trò trường Đại học TDTT I, của những người như bà Lộc trong việc đặt nền móng cho công tác đào tạo VĐV sau này của Nhà trường.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc nhất đối với bà không phải là những Bằng khen, phần thưởng được trao do có công trong sự nghiệp phát triển TDTT nước nhà, của Nhà trường mà chính là tình cảm của những đứa con khi đã trưởng thành, có địa vị trong xã hội vẫn nhớ đến bà với một tình cảm thân thương đầy kính trọng.
Anh Nguyễn Văn Hiếu - một trong những VĐV hồi ấy, hiện đang là giáo viên của trường Đại học Xây dựng - Hà Nội đã xúc động kể lại: "Mẹ Lộc ngày nào cũng vậy, cứ 4h30 sáng đã dậy quét sân và nhặt những chiếc lá rụng trên bãi cỏ trước khu nhà. 5 năm liền, không một ngày nào mẹ không đi cả 3 tầng của dãy nhà để gọi các con dạy tập thể dục vào mỗi buổi sớm. Tôi nhớ nhất lần mình bị ốm, mẹ đã lo lắng và ở bên tôi suốt cả đêm để theo dõi tình hình. Đối với các em nhỏ, có lẽ mẹ còn vất vả hơn bởi bên cạnh việc kèm cặp chuyện học văn hoá, mẹ còn phải chăm chút quần áo và những sinh hoạt hàng ngày cho chúng. Những hình ảnh đó sẽ khắc sâu trong tâm trí tôi và dù đi đâu tôi vẫn luôn nhớ về mẹ. Mỗi khi có dịp về thăm trường, người đầu tiên tôi muốn gặp, muốn được ôm chính là mẹ - "mẹ Lộc" của chúng tôi".
Thời gian thấm thoắt trôi đi, đến nay bà Lộc đã ở vào cái tuổi 65 - cái tuổi mà đáng lý ra người ta phải được nghỉ ngơi và an hưởng niềm vui bên con cháu, thì bà vẫn một mình đơn chiếc. Thói quen công việc bao năm dường như đã ăn sâu vào trong con người bà và hiện nay bà vẫn tiếp tục công việc của mình tại một cửa hàng nhỏ để phục vụ cho giáo viên, sinh viên của Nhà trường. Phải chăng ẩn sâu trong thói quen ấy là một phần cho những hy sinh thầm lặng của người phụ nữ này...
Thịnh Hường