Cờ Vua là môn thể thao trí tuệ đòi hỏi và phát triển tư duy, trí thông minh, óc sáng tạo, những phẩm chất tốt đẹp như: tính quyết đoán, tính kỷ luật, sự bình tĩnh...của người chơi, rất phù hợp với người Việt Nam. Dù mới du nhập vào Việt Nam nhưng phong trào Cờ Vua đã phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Những năm gần đây, phong trào Cờ Vua phát triển ở hầu hết 64 tỉnh, thành và nhiều ngành. Nhiều Trung tâm Cờ Vua được thành lập trên toàn quốc như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre... Đặc biệt, Cờ Vua phát triển rộng rãi tại các trường học.
Hàng năm, giải Cờ Vua cho các đối tượng được tổ chức rộng rãi. Đỉnh cao về quy mô phong trào là các giải Cờ Vua A1, A2, giải các đấu thủ mạnh, giải Cờ Vua cho học sinh, sinh viên định kỳ và đặc biệt giải Cờ Vua được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc.
Chính phong trào phát triển mạnh mẽ và rộng khắp đó là nền tảng cho sự phát triển Cờ Vua thành tích cao ở nước ta. Trong những năm qua, VĐV Cờ Vua Việt Nam đã mang về những danh hiệu: Đại kiện tướng quốc tế (Đào Thiên Hải, Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Ngọc Trường Sơn), vô địch thế giới lứa tuổi trẻ (Đào Thiên Hải lứa tuổi 16, Nguyễn Thị Dung lứa tuổi 12, Nguyễn Ngọc Trường Sơn lứa tuổi 10, Lê Quang Liêm lứa tuổi 14), Kiện tướng quốc tế (Từ Hoàng Thái, Hoàng Xuân Thanh Khiết, Nguyễn Quỳnh Anh...), Kiện tướng FIDE (Đặng Bích Ngọc, Lê Kiều Thiên Kim...)
Nhiều năm qua VĐV nữ của chúng ta đều dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hai giải đấu gần đây (trong vòng 4 năm) Liên đoàn Cờ thế giới đã kết nạp Mông Cổ (một nước có trình độ Cờ rất mạnh, đứng trong vòng 20 nước mạnh trên thế giới) vào khu vực thi đấu của Đông Nam Á. Vì vậy Cờ nữ có đấu thủ rất mạnh. Hai giải gần đây vị trí số một đều thuộc về VĐV Mông Cổ. Nhưng tại giải Vô địch Cờ Vua thế giới khu vực 3.3 diễn ra tháng 8 vừa qua, các nữ kỳ thủ của chúng ta vẫn giữ chức vô địch. Với 5 vị trí đầu đều thuộc về VĐV Việt Nam đã khẳng định vị thế của Cờ Vua Việt Nam. Đánh giá về trình độ VĐV đỉnh cao của Cờ Vua nữ nước ta hiện nay trên đấu trường quốc tế, ông Đặng Tất Thắng (P.Chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam) khẳng định: "Ở châu Á, các nữ VĐV Việt Nam được đánh giá là một trong 3 nước mạnh nhất và trong 20 nước đứng đầu trên thế giới. VĐV nam có phần đuối hơn. Trong khu vực, Việt Nam tranh giành vị trí nhất nhì với Indonesia và Philippines. Bởi VĐV nam của chúng ta chưa đạt đến đỉnh cao". Philippines có sự phát triển sớm hơn ta nhiều năm về Cờ Vua, họ có VĐV vô địch thế giới lứa tuổi đầu tiên ở Châu Á, có VĐV xếp hạng 8 trên thế giới từ những năm trước. Việt Nam được đánh giá là xấp xỉ với họ đã là những thành công đáng nể vì chúng ta phát triển sau họ nhiều năm. Đặc biệt Cờ Vua nam có những kỳ thủ xuất sắc với khả năng xuất chúng ngay từ rất nhỏ như Nguyễn Ngọc Trường Sơn, VĐV vô địch thế giới (khi lên 10) nhỏ tuổi thứ hai trên thế giới. Mặc dù rất nỗ lực nhưng phong độ đỉnh cao của các kỳ thủ nam của chúng ta khó duy trì và phát huy. Để Cờ Vua nam đạt được vị trí cao hơn rất cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ phía Liên đoàn cũng như bản thân các VĐV vì Cờ Vua mang đặc thù riêng là môn thể thao trí tuệ, sự tư duy của người tập đóng vai trò quyết định đến trình độ cờ.
Thế mạnh của Việt Nam không nước nào trong khu vực có được đó là tài năng ở lứa tuổi trẻ (từ lứa tuổi 10 đến lứa tuổi 20). Lĩnh vực này, Việt Nam đã chiếm vị trí cao, đặc biệt trong những giải từ 2001 đến nay, Việt Nam luôn chiếm vị trí nhất toàn đoàn giải trẻ với số huy chương chiếm trên 50%. Tại các giải trẻ Châu Á, giải trẻ thế giới, Việt Nam đều có những vị trí cao (Nguyễn Ngọc Trường Sơn vô địch Thế giới lứa tuổi 10, Lê Quang Liêm vô địch thế giới lứa tuổi 14...). Khi hỏi về vấn đề này, ông Đặng Tất Thắng nhận xét: "Ở lĩnh vực này, chúng ta mạnh nhất trong khu vực, so với Châu Á Việt Nam chỉ sau Trung Quốc, Ấn độ và được đánh giá là đội mạnh trên thế giới, Việt Nam từng có năm đứng thứ 3 Thế giới ở lứa tuổi trẻ."
Chính những thành tích đã đạt được đó, Cờ Vua Việt Nam đang được Liên đoàn Cờ thế giới đánh giá cao về công tác huấn luyện, đào tạo và tổ chức. Năm 2008, Việt Nam lần đầu tiên giành được quyền đăng cai tổ chức Giải Vô địch các nhóm tuổi thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Cờ Vua nước nhà, tạo đà cho sự phát triển Cờ Vua trong giai đoạn mới.
Cờ Vua trên thế giới sẽ có xu hướng phát triển ở Châu Á (trước kia phát triển mạnh ở Châu Âu). Nhìn lại, Trung quốc đã thống trị về Cờ Vua trong nhiều năm nay, Ấn độ cũng đã có những kỳ thủ ở đỉnh cao nhất nhì thế giới. Với xu thế phát triển này thì chất lượng Cờ Vua tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á sẽ được nâng cao. Cùng với sự dịch chuyển trung tâm Cờ Vua về Châu Á, Việt Nam cũng sẽ có những biện pháp để Cờ Vua phù hợp với xu thế mới. Để Cờ Vua Việt Nam bắt kịp với xu thế đó, ông Đặng Tất Thắng cho biết: "Ngoài nâng cao hiệu quả về công tác tuyển chọn, đào tạo... Chúng ta cần có một hệ thống giải thi đấu chuyên nghiệp cho các VĐV đỉnh cao, tạo điều kiện để phát triển VĐV Cờ Vua chuyên nghiệp." Tuy nhiên, Cờ Vua là môn thể thao có rất ít nguồn tài trợ nên đây là điều khó khăn cho Liên đoàn Cờ trong việc phát triển Cờ Vua đỉnh cao. Hy vọng Cờ Vua sớm được sự quan tâm của xã hội, các Ban, ngành, đơn vị, các nhà tài trợ cùng với ngành TDTT đặc biệt là Liên đoàn Cờ Việt Nam để đưa Cờ Vua nước nhà lên tầm cao mới.
HX