Trong năm qua, sự nghiệp phát triển TDTT của An Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một trong những nhân tố tạo nên sự thành công ấy phải kể đến công tác dân vận trong lĩnh vực TDTT. Ngành TDTT An Giang đã triển khai, phổ biến các tài liệu, tư liệu về công tác dân vận đến từng đảng viên, công chức, trọng tài, VĐV từ tỉnh đến huyện, thị xã. Qua đó, tạo được sự chuyền biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về vai trò của hoạt động TDTT.
Công tác dân vận toàn ngành đã triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại", đưa phong trào tập luyện TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ qua từng năm, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, vùng núi, dân tộc với nhiều nội dung như: đi bộ, chạy vì sức khỏe, thể dục dưỡng sinh, đá cầu, cầu lông, bơi lội, xe đạp, quần vợt, bóng đá, bóng chuyền... Qua đó, số người tập luyện TDTT thường xuyên tăng từng năm (năm 2006 chiếm 23%, tăng 8% so với năm 2000); số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao năm 2000 có 16,8%, đến năm 2006 tăng lên 20,2%. Năm 2000 toàn tỉnh có 583 CLB, điểm tập, nhóm tập đến năm 2006 tăng lên 2.306 CLB, nhóm tập và điểm tập.
Trung bình mỗi năm tỉnh tổ chức gần 200 giải thể thao và hội thao, thu hút trên 10.000 lượt VĐV tham dự. Trong đó, có nhiều giải thể thao truyền thống như: ngày hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khơme, giải bóng đá dân tộc Chăm, giải bóng đá, bóng chuyền nông dân; giải xe đạp về nông thôn An Giang, giải bóng chuyền Khơme... Và sau mỗi năm, số VĐV tham gia nhiều hơn, chất lượng thi đấu ngày càng cao hơn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của phong trào TDTT địa phương, đã có nhiều sân bãi như: bóng đá mini, bóng chuyền, cầu lông, CLB thể dục thể hình, CLB thẩm mỹ, hồ bơi, sân quần vợt...của tư nhân đầu tư xây dựng được đưa vào hoạt động trong cộng đồng.
Để nâng cao thành tích của phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh, nhất là thể thao thành tích cao, ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất, công tác đào tạo, huấn luyện còn phải làm tốt công tác dân vận, thông qua các hoạt động cụ thể như: gặp gỡ, vận động gia đình cho con em tham gia tập luyện thể thao đỉnh cao, giáo dục VĐV ngoài việc rèn luyện về chuyên môn, còn phải học tập văn hóa, có phẩm chất chính trị tư tưởng và đạo đức trong sáng...
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận nên sự nghiệp TDTT ở An Giang ngày càng phát triển. Tính từ năm 2000 đến nay, An Giang đã tham gia nhiều giải đấu trong nước và quốc tế, giành được 1.607 huy chương các loại gồm 540 HCV, 500 HCB, 567 HCĐ; được phong 162 lượt VĐV cấp kiện tướng, 168 lượt VĐV cấp 1...cung cấp cho các đội tuyển quốc gia 162 lượt VĐV.
Mặt khác, toàn ngành triển khai đề án xã hội hoá TDTT, xây dựng và nâng cao chất hoạt động của các CLB TDTT, gia đình thể thao, các tụ điểm văn hoá thể thao, nhất là ở vùng nông thôn, trong đồng bào dân tộc, qua đó thu hút ngày càng đông số người tự nguyện tham gia luyện tập. Đẩy mạnh công tác vận động tài trợ cho các hoạt động TDTT, kết qủa đã có nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ như: Công ty TNHH DV-TM-XNK Tân Hiệp Phát, Công ty CP BVTV An Giang, Công ty Syngenta, Công ty CP Vina Cafe, Công ty Bảo Việt An Giang, Công ty Agifish, Siêu thị thể thao Lucas, Khách sạn Kim Phát, Công ty TNHH Minh Lý, cơ sở Billiards Tân Lộc, Composite Nguyễn Phương, Công ty Thể thao Động Lực, Công ty Xổ số kiến thiết An Giang, Ngân hàng NN & PTNN, Cảng Mỹ Thới, Công ty XNK tỉnh, Afiex, Ngân hàng Ngoại Thương, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, Công ty xây lắp, Ngân hàng Mỹ Xuyên...
Có thể nói, do việc thường xuyên tăng cường công tác dân vận, đồng thời tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính, nên công tác TDTT ở An Giang đã không ngừng phát triển trên các mặt như: TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và xã hội hóa TDTT.
Hữu Sơn (Sở TDTT An Giang)