Hôm nay (23/1), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) đã tổ chức Đại hội thường niên năm 2008, tại Hội trường Nhà khách Chính Phủ số 7 Chu Văn An, Hà Nội.
Tới dự, về phía Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; Tổng Cục Phó Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng. Đại hội còn có sự tham dự của các vị lãnh đạo chủ chốt của LĐBĐVN như PCT Lê Hùng Dũng; PCT Vũ Quang Vinh; PCT Dương Vũ Lâm; Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn; các vị Đại biểu Ban chấp hành, khách mời và đông đảo các nhà báo, phóng viên thể thao của các cơ quan thông tấn, báo chí...
Năm 2007 vừa qua là một năm ghi dấu nhiều sự kiện nổi bật của BĐVN, bao gồm cả thành tựu và những mặt công tác còn cần phải nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm, để có được những giải pháp đúng đắn, hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh, ổn định ở những năm tiếp theo.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, TTK Trần Quốc Tuấn đã đọc bản Báo cáo tổng kết năm 2007 và Chương trình công tác 2008 của LĐBĐVN. Tiếp đó, PCT phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng cũng đã trình bày Báo cáo về công tác Tài chính và Tài trợ.
Phần thảo luận thu hút sự chú ý của số đông Đại biểu. Những người làm Bóng đá Việt Nam đã tập trung đề cập tới ý nghĩa, giá trị mà BĐVN thu lượm được sau thành công của các giải đấu như: Vòng loại Olympic 2008, VCK ASIAN Cup (mà chúng ta là 1 trong 4 Quốc gia đăng cai). Những thành quả đó cho thấy, ngoài sự tiến bộ trong lĩnh vực chuyên môn, BĐVN đã và đang thể hiện được năng lực, đẳng cấp của mình ở các lĩnh vực khác như: kinh nghiệm tổ chức sự kiện, khả năng thu hút tài trợ và hơn hết đó là hấp lực và tầm ảnh hưởng 2 chiều đối với NHM. V - League giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu trong nước cùng các giải đấu khác mà BĐVN sở hữu đã và đang thể hiện sự phát triển ổn định, tạo tiền đề, ảnh hưởng trực tiếp tới trình độ của các đội tuyển QG. Các sự kiện như Hoàng Anh Gia Lai cho ra đời học viện Bóng đá HAGL - Arsenal JMG, B. Bình Dương đoạt chức Vô địch V - League 2007 đã khẳng định sự trưởng thành của các CLB Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ...
Nhưng bên cạnh những ưu điểm đó, các sự kiện như: kết quả yếu kém đầy bất ngờ của đội tuyển Bóng đá nam tại SEA Games 24, sự đi xuống của Bóng đá nữ trong giai đoạn gần đây ở khu vực, cùng các vấn đề về an ninh trật tự tại V - League, sự lỏng lẻo của Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp trong các lĩnh vực chuyển nhượng cầu thủ, quản lý và quan hệ với truyền thông... đã cho thấy chất lượng đào tạo trẻ, sự không cân đối trong đầu tư cho Bóng đá (do ảnh hưởng của các yếu tố cơ chế, vùng miền, ý thức tác nghiệp), yêu cầu nhanh chóng phải nâng cao trình độ cũng như trách nhiệm của các phòng, ban thuộc cấp Điều hành của Liên đoàn trong việc phối hợp, nghiên cứu và kiểm soát các vấn đề mang tính chuyên môn như: kế hoạch huấn luyện, tuyển chọn của các đội tuyển... đều là các vấn đề cụ thể cần khắc phục đối với BĐVN ở tất cả các cấp độ, dù cho là đối tượng quản lý hay tác nghiệp.
Năm 2007 qua đi, dẫu vẫn còn đó các sự kiện, vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng từ góc độ nhất định, các sự kiện AFC (Liên đoàn Bóng đá Châu Á) bình chọn VFF là 1 trong 3 LĐBĐ có sức tiến bộ nhất trong năm của Châu Á, thành công của các đội tuyển như lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2007, Vòng loại Olympic Beijing 2008, tốc độ hội nhập nhanh chóng của đội Futsan nữ tại Indoor Games 2 và SEA Games 24 đã cho thấy sự nỗ lực rất đáng khen ngợi của những người làm BĐVN trong năm vừa qua.
Chu Hưng