Kỳ 2: Cần sớm hợp pháp hoá hoạt động đặt cược Bóng đá
Bắt tay vào xây dựng thí điểm hoạt động đặt cược Bóng đá tại Việt Nam, Uỷ ban TDTT đã nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức, tham khảo nhiều mô hình của các quốc gia trong khu vực như: Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Philippnies... Qua đó cho thấy: "Việc áp dụng các biện pháp hành chính đơn thuần để chống nạn đặt cược bất hợp pháp khó có thể đạt kết quả như mong muốn, đồng thời sẽ mất đi một nguồn thu nhập lớn cho ngân sách Nhà nước".
Áp dụng vào thực tế tại Việt Nam, khi nạn cá cược ngày càng trở nên phổ biến và ăn sâu vào"máu" của những người chơi cá độ thì nhu cầu" được cá độ" càng cấp thiết. Một bộ phận không nhỏ trong tổng số hơn 84 triệu dân Việt Nam vẫn thường xuyên mua xổ số, cá cược dưới nhiều hính thức không chỉ đối với Bóng đá mà còn cả ở những môn thể thao khác như: Đua ngựa, đua chó, chơi bài tại các Casino, trò chơi có thưởng, các CLB tư nhân... Chính vì vậy, các biện pháp hành chính cũng chỉ hạn chế phần nào nạn cá cược bất hợp pháp và tình trạng này vẫn diễn ra mọi nơi. Trước bối cảnh đó, thừa nhận hợp pháp hoạt động cá cược thể thao là giải pháp hữu hiệu nhất, không chỉ giúp Nhà nước có thêm nguồn thu nhập mà còn ngăn chặn, đẩy lùi được nạn cá độ bất hợp pháp, khiến các đầu nậu cá độ không còn cơ hội "tung hoành" và thu lợi cá nhân.
Do chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên Uỷ ban TDTT mà cụ thể là Ban soạn thảo đề án do đ/c Huỳnh Vĩnh Ái - Phó chủ nhiệm Uỷ ban TDTT làm Trưởng ban đã tích cực nghiên cứu các tài liệu, tham khảo thực tế mô hình hoạt động đặt cược thể thao của một số quốc gia để xây dựng và sớm hoàn chỉnh đề án này tại Việt Nam.
Theo con số thống kê mới nhất, từ tháng 5 đến tháng 8/2006, ngay chính tại trụ sở Uỷ ban TDTT, Ban soạn thảo đã có tổng cộng 12 buổi làm việc với 5 công ty có kinh nghiệm triển khai hoạt động đặt cược thể thao, bao gồm: SMS của Thái Lan (Công ty hiện đang triển khai hoạt động xử lý phần mềm cho các công ty đặt cược của Anh); Singapore Pool (Công ty đặt cược Bóng đá của Chính phủ Singapore); Công ty LadBrokes (có trụ sở tại Anh); Công ty Intralot (có trụ sở tại Hy Lạp); Liên doanh Infront - Betandwin (Áo - Thuỵ Sỹ). Đại diện Ban soạn thảo đề án cũng tìm hiểu thực tế tại Singapore và Vương quốc Anh.
Hiện nay, có 3 mô hình chính được đưa ra, gồm: Công ty 100% vốn Nhà nước (có thuê tư vấn nước ngoài); Công ty liên doanh, Nhà nước giữ cổ phần chi phối (51%); Công ty 100% vốn nước ngoài, được Nhà nước cấp phép hoạt động có thời hạn và đáp ứng những điều kiện quy định cụ thể. Cả 3 mô hình chính này đều có những ưu nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, áp dụng vào thực tế của nước ta, Uỷ ban TDTT đã đề trình Chính phủ xem xét phương án lựa chọn mô hình Công ty liên doanh có thời hạn (15 năm). Sau 15 năm, khi phía Việt Nam đã tích luỹ được nguồn vốn an toàn, kinh nghiệm quản lý cũng như làm chủ được công nghệ sẽ đứng ra tự triển khai toàn bộ hoạt động đặt cược thể thao. Xem ra, đây là phương án nhận được sự đồng tình nhất bởi nó phù hợp với thực tế tại Việt Nam và đảm bảo mức độ an toàn cần thiết cho quá trình phát triển bền vững, lâu dài trong lĩnh vực kinh doanh đặt cược thể thao.
Dự kiến vốn ban đầu là 500 tỷ đồng (tương đương 30 triệu USD). Nếu tổ chức theo mô hình công ty liên doanh thì phía Việt Nam chỉ phải góp vốn bằng giấy phép kinh doanh đặt cược thể thao và vốn vay ưu đãi từ phía đối tác. Song vẫn chưa có quyết định chính thức về việc lựa chọn phương án nào cho đề án. Cuộc Hội thảo về Kinh tế TDTT là chưa đủ cho một vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm, do vậy chắc chắn sẽ có thêm nhiều cuộc Hội thảo nữa được tổ chức với đối tượng tham dự rộng hơn để có những góp ý quý báu từ cái nhìn đa chiều của các nhà lãnh đạo, chuyên môn... với chủ đề "đặt cược trong thể thao". (còn nữa)
Thanh Anh