Đêm qua, Liên đoàn bóng đá Anh FA đã quyết định “kết tội” Costa có hành vi bạo lực với Emre Can trong trận bán kết Capital One Cup giữa Chelsea và Liverpool. Điều này đồng nghĩa Costa phải đối mặt với án treo giò 3 trận. Trong mắt nhiều người, Costa thực sự đã cố ý đạp vào chân Emre Can và xứng đáng bị phạt. Nhưng hình phạt này chỉ có thể khiến Chelsea “đau đầu” chứ vô phương làm Costa thay đổi. Bởi bản chất của tiền đạo này vẫn “hoang dã” như vậy. Bên cạnh khuôn mặt dữ tợn, sự “hoang dã” trên sân cỏ chính là yếu tố khiến người ta gọi Costa là “Quái thú”.

So với “Quái thú” Julio Baptista trước khia, Costa xứng đáng với biệt danh này hơn nhiều lần, đặc biệt trong cách thi đấu của anh. Với Costa, sân cỏ giống như một chiến trường, và tiền đạo này không từ bất cứ điều gì để giành lấy lợi thế cho bản thân và đồng đội. Ai đó có thể trách móc, chỉ trích hay khinh thường Costa, nhưng riêng người Chelsea thì không. Đó là điều rõ ràng.
Costa khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha nhưng anh sinh ra và lớn lên ở Brazil. Giống như nhiều cầu thủ Nam Mỹ khác, Costa lớn lên cùng bóng đá đường phố. Cho đến trước năm 16 tuổi, Costa vẫn chưa biết học viện bóng đá, hay nhỏ hơn, những lớp học bóng đá là gì. Những trận đấu bóng đá đường phố ở Brazil bên cạnh sự ngẫu hứng, luôn nhuốm màu bạo lực. Để tồn tại và tạo dấu ấn với một ai đó, bạn phải biết sử dụng tiểu xảo và luôn đối đầu với đối thủ như những kẻ thù chân chính.
Có thời điểm, Costa muốn từ bỏ bóng đá để đi kiếm tiền. May mắn thay, chú của Costa kịp nhìn ra tài năng của anh và cố gắng đưa tiền đạo này vào lò đào tạo của Barcelona Esportivo Capela ở Sao Paulo vào năm 2004. Với quyết tâm cao độ, Costa chỉ mất 2 năm để lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên châu Âu. Năm 2006, anh bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình ở Braga, sau đó đến Atletico và bây giờ là Chelsea. Để trở thành “sát thủ” hàng đầu châu Âu như hiện nay, Costa đã phải tận dụng mọi cơ hội nhỏ nhất khi anh liên tục bị đẩy đi “đánh thuê” ở các CLB nhỏ như Celta Vigo, Albacete hay Valladolid.
Ở đâu cũng vậy, khuôn mặt dữ tợn của Costa rất ít khi giãn ra, thay vào đó, anh luôn lầm lì một cách đáng ghét và đáng sợ! Sau mỗi lần bị phạm lỗi, hoặc va chạm, Costa luôn nhìn chằm chằm vào đối thủ như thể muốn “ăn tươi, nuốt sống” họ ngay lập tức. Với những cầu thủ hiền lành, đây thực sự là một đòn đánh tâm lý cực hiệu quả. Với những cầu thủ “cứng” hơn, nó là đòn dằn mặt yêu thích của Costa. Nhưng đó chưa phải tất cả. “Đỉnh cao” tiểu xảo của Costa chính là những “đánh như không đánh” đối thủ, giống như cách anh nhảy lên và đạp thẳng vào chân Emre Can. Phong cách này của Costa được cổ súy và phát triển mạnh mẽ dưới thời Diego Simeone ở Atletico Madrid.
Trong 130 trận đầu tiên ở Tây Ban Nha, Costa đã phải nhận đến 6 thẻ đỏ và 43 thẻ vàng. Có lẽ một tiền vệ phòng ngự hoặc một trung vệ cũng không thể có “thành tích” tốt hơn Costa. Những người từng làm việc chung với Costa đều có một nhận định chung, Costa là một cầu thủ thực sự hoang dã, người luôn coi vấn đề “sinh tồn” là điều quan trọng nhất. Sự sinh tồn ở đây là việc được thừa nhận của cá nhân và các chiến thắng của đội nhà. Vì điều này, Costa ít làm ai phải thất vọng. Costa có thể sẽ bị treo giò 3 trận, nhưng khi trở lại, anh chắc chắn đáng sợ hơn nhiều lần.
Nguồn: Tổng hợp - Báo Thể thao Việt Nam