Đào tạo VĐV trẻ là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bởi có làm tốt công tác đào tạo trẻ mới đảm bảo cung cấp lực lượng VĐV kế cận cho đội tuyển quốc gia. Điều đó có liên quan trực tiếp đến thành tích của TTVN trên đấu trường khu vực và thế giới. Cũng như một số môn thể thao khác, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác đào tạo VĐV trẻ môn Điền kinh đang đứng trước những khó khăn, thách thức.
Trong những năm qua, Điền kinh luôn là một trong những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam tại các giải đấu khu vực và châu lục. Từ chỗ chỉ giành được 01 HCV đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á (1995), Điền kinh Việt Nam đã vươn lên vị trí là một trong những nước dẫn đầu khu vực (SEA Games 22 năm 2003) và đã có những bước tiến nhảy vọt lên tầm châu lục. Thành tích mà Điền kinh Việt Nam có được là nhờ đóng góp không nhỏ của các VĐV tiêu biểu như: Bùi Thị Nhung (Nhảy cao), Vũ Thị Hương (Chạy ngắn), Nguyễn Duy Bằng (Nhảy cao), Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng (cự ly trung bình, dài)...
Thực hiện chương trình mục tiêu, trong giai đoạn từ 1995 - 2002, nhiều địa phương đã xuất hiện những VĐV trẻ xuất sắc như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quân đội, Hà Tây, Thanh Hoá, Thái Nguyên... công tác đào tạo trẻ đã mang lại hiệu quả rõ rệt và được minh chứng qua thành tích mà các VĐV đạt được tại các giải đấu trong nước cũng như khu vực. Nhưng, sau SEA Games 22, không chỉ tại các Trung tâm HLTT QG, VĐV trẻ ít được tập trung đào tạo, tập huấn mà ngay cả ở địa phương sự đầu tư cho các VĐV trẻ chưa cao.
Thực trạng đó đã khiến cho lãnh đạo ngành TDTT, các nhà chuyên môn nói chung và những người làm công tác Điền kinh nói riêng phải trăn trở. Có rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng trên như: vấn đề kinh phí, đội ngũ HLV giỏi chưa nhiều, sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương chưa đồng đều và các vấn đề liên quan như: chế độ, chính sách, trong đó việc đảm bảo tính khoa học trong công tác đào tạo, huấn luyện cũng đang gặp nhiều khó khăn…
SEA Games 24 đang đến gần, Điền kinh Việt Nam vẫn là một trong những môn chiếm số lượng huy chương nhiều nhất. Nhưng so với các kỳ Đại hội trước, do những nguyên nhân khác nhau, số VĐV có khả năng giành huy chương đã bị hao hụt rất nhiều, trong khi lực lượng kế cận lại rất mỏng. Hiện nay, ngoài những gương mặt quen thuộc như: Duy Bằng, Bùi Thị Nhung (nhảy cao), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp), Vũ Thị Hương (100m), Trương Thanh Hằng (800 - 1.500m)... có không ít các VĐV đã vắng mặt như: Đỗ Thị Bông, Lê Văn Dương... là khó khăn không nhỏ cho Điền kinh Việt Nam nói riêng và TTVN nói chung.
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ, Liên đoàn Điền kinh cùng với Bộ môn Điền kinh đã, đang nỗ lực hết mình nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu như: xây dựng kế hoạch đào tạo lâu dài, có tính chiến lược; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho HLV theo từng chuyên đề; tổ chức các buổi Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các nhà chuyên môn... để công tác tuyển chọn và đào tạo trẻ tiếp tục phát huy được hiệu quả. Hy vọng rằng, ở bất cứ thời điểm nào, Điền kinh Việt Nam luôn có một lực lượng VĐV hùng hậu, đầy tài năng, sẵn sàng tham dự các giải đấu trong nước cũng như quốc tế.
Việt Dũng