Điền kinh là môn thể thao được mệnh danh là Nữ hoàng. Sau thành công tại SEA Games 22, đội tuyển điền kinh Việt Nam (ĐKVN) bước vào giai đoạn huấn luyện mới. Với động thái, ngay sau khi kết thúc giải Các VĐV xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất tổ chức vào tháng 12-2004, một đội hình gồm các tân binh đã lên đường sang Trung Quốc tập huấn, cho thấy ĐKVN đã sẵn sàng thực hiện hai nhiệm vụ lớn trong năm là tham dự ASIAN Indoor Games và SEA Games 23.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, năm 2004 ĐKVN không mấy thành công, vì không đạt thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế! Về vấn đề này, Ông Dương Đức Thuỷ, Trưởng bộ môn Điền kinh UBTDTT, HLV trưởng đội tuyển ĐKVN, cho biết: Năm 2004, môn ĐK không giành được thành tích cao như SEA Games 22, nhưng chiếc HCĐ của Nguyễn Duy Bằng, nhảy cao 2,25m tại giải vô địch ĐK Châu Á là một dấu ấn đỉnh cao. Với thành tích nổi bật đó, sau 10 - 15 năm nữa, chưa chắc đã có VĐV nào có khả năng vượt qua.
Nhiều người lo ngại rằng, thành tích môn ĐK thường không ổn định. Điều dễ hiểu, ĐK không phải là môn khi đã đạt được thành tích thì duy trì được mãi mãi, mà nó giống như biểu đồ hình sin vậy! Có điểm cao (cực đại) và có điểm thấp(cực tiểu). Vấn đề là huấn luyện cố gắng đẩy đỉnh cao thành tích VĐV vào các cuộc thi đấu quan trọng, đó là các giải đấu trong nước và quốc tế.
Thông qua các giải quốc tế, BHL sẽ đánh giá được chu trình chuẩn bị của từng VĐV, đồng thời nhìn nhận rõ hơn đối thủ tại SEA Games 23, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan (nổi trội ở cự ly ngắn, nhảy), Phillipines, Myanmar (mạnh về cự ly trung bình và dài)..
Năm 2004, thành tích của các VĐV Thái Lan, như Suphan Wongsripuek, Sitthichai Suwornprathee, Saowalee Kaewchuay ...cũng đáng để Việt Nam phải lưu tâm, khi thành tích xấp xỉ hoặc hơn mức đạt được tại SEA Games 22. Myanmar cũng là đối thủ "khó chơi" ở cự ly trung bình. Myint Myint Aye (Myanmar), giành HCB các ngôi sao châu Á với thành tích 4:18:71 vượt qua kỷ lục SEA Games của cô. Myint Myint Aye sẽ là đối thủ chính của Lan Anh (đương kim vô địch SEA Games 22 trên đường đua 800m.
Năm 2005, Uỷ ban TDTT đầu tư chủ yếu vào các đội tuyển tham gia SEA Games, còn các đội tuyển trẻ sẽ chuyển xuống cho các địa phương đào tạo. Đó là động thái khích lệ các địa phương đầu tư, đào tạo VĐV trẻ kế cận. Trên cơ sở đó, Ủy ban TDTT sẽ tuyển chọn VĐV có thành tích cao để tham gia các cuộc thi đấu quan trọng như: SEA Games, Olympic...
Tuy nhiên, ĐK đòi hỏi cần có một điều kiện về cơ sở vật chất cho tập luyện và thi đấu khá hiện đại. Việc đưa VĐV về các địa phương đào tạo sẽ gặp khó khăn về cơ sở vật chất và huấn luyện. Chẳng hạn: khi thi đấu ở sân sỉ thành tích VĐV còn khá khiêm tốn, nhưng khi thi đấu với sân cao su tổng hợp thì thành tích rất tốt. Nhìn trên bình diện toàn quốc ngoài sân Mỹ Đình đạt tiêu chuẩn quốc tế, thì chúng ta hầu như ít có sân đạt tiêu chuẩn quốc tế quy định.
Theo đó, công tác huấn luyện cũng còn nhiều điều bất cập. Một mặt chế độ dinh dưỡng còn hạn chế, mặt khác HLV Điền kinh phải kiêm nhiệm nhiều môn thi khác, vì thế không thể đào tạo được VĐV chuyên nghiệp có đẳng cấp cao.
Trước mắt, những tên tuổi quen thuộc như Duy Bằng, Bùi Thị Nhung, Lê Thị Phương, Nguyễn Thị Tĩnh, Đỗ Thị Bông, Nguyễn Lan Anh ... sẽ được tập huấn và tạo điều kiện thi đấu tại nhiều giải của các quốc gia trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.
Điền kinh là môn thể thao được mệnh danh là nữ hoàng, và nó là môn thi cơ bản trong các kỳ Đại hội. Môn thể thao này rất đáng được trân trọng. ĐK VN rất cần đầu tư đủ và đúng hướng, để lá cờ đỏ sao vàng liên tục tung bay phấp phới trên bầu trời Philipines, tại SEA Games 23.
Hồng Hà