Năm 2006 đã qua, bên cạnh những thành công, giải Bóng chuyền Vô đich các đội mạnh toàn quốc vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Trong vòng 3 năm trở lại đây, điều lệ giải quy định khá rõ các chi tiết, song có vài điểm về việc tổ chức VCK mà bài viết này muốn đề cập: Sau khi kết thúc vòng 2 theo thể thức thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm, sẽ có thêm “cái đuôi” là VCK cúp Mikasa (giữa nhóm 4 đội dẫn đầu) và vòng xếp hạng 9 – 12 (giữa nhóm 4 đội xếp cuối) của cả nam lẫn nữ tại 2 địa điểm đã được xác định.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức vòng 2 và VCK Cúp Mikasa (do hợp đồng với nhà tài trợ) được dành cho chỉ một địa điểm (đóng lệ phí cho LĐBCVN 250 triệu) đã gây nên một số ý kiến tranh luận trong thời gian gần đây, nhất là từ phía các địa phương chỉ được tổ chức vòng bảng và vòng xếp hạng 9 – 12 (nộp 150 triệu). Bởi điều cần xem xét không chỉ xuất phát từ “độ vênh” của mức lệ phí phải nộp, mà nó còn vì nhu cầu muốn được thưởng thức nghệ thuật thi đấu bóng chuyền đỉnh cao của quốc gia ở một bộ phận không nhỏ các tầng lớp nhân dân địa phương, trong đó điển hình là 2 nơi có đông đảo đồng bào các dân tộc như Trà Vinh (2004) và ĐakLak (2 năm liền, 2005 và 2006). Hơn nữa, vòng đấu giữ hạng cũng có một số vấn đề trong phương pháp tổ chức thi đấu nhằm xác định các đội trụ hạng: Điều lệ giải quy định 4 đội ( xếp thứ 5, 6 mỗi bảng) thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng 9 – 12, hai đội xếp hạng 11 và 12 chung cuộc phải xuống hạng A1 mùa giải năm sau. Trong cuộc chiến “sinh tử” này, cách làm như lâu nay bộc lộ nhiều điểm thiếu tính thực tế và tính khoa học, bởi nhiều người dễ nhầm tưởng thi đấu vòng tròn sẽ công bằng và cho ra kết quả mang độ chính xác cao. Ai cũng biết, khác với bóng đá có thể tổ chức cùng lúc trên nhiều sân ở một lượt đấu quyết định nào đó, lâu nay bóng chuyền chỉ có thể tổ chức ở một sân theo lịch đã công bố. Do vậy ở lượt đấu cuối, số đội may mắn được thi đấu sau luôn có lợi thế hơn. Đặc biệt, khi có một đội bỏ cuộc ngay từ đầu giải (như nữ Domesco Đồng Tháp 2004, Hà Nam 2006 và nhiều khả năng Than Hà Tu cùng Tuần Châu Quảng Ninh sẽ nhập thành một đội ở giải 2007) thì việc áp dụng đấu vòng tròn kiểu tam giác, trong điều kiện trình độ ngang nhau, các đội chẳng may bốc nhầm lá thăm phải đấu trước 2 trận (trừ trường hợp toàn thắng cả hai hoặc một thắng một thua nhưng có tỷ số ván lớn hơn 0) sẽ luôn phải chịu thiệt thòi vì 2 đội còn lại có khi sẽ quyết định số phận của mình (như nữ Thanh Hóa sau cùng phải xuống hạng 2004 và nam Vĩnh Long ở mùa giải 2006).
Do vậy, từ thực tế như đã nêu, nên chăng Điều lệ giải cần có sự đổi mới theo chiều hướng tích cực, nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng và khoa học (dựa theo cách áp dụng hiện nay của LĐBCTG - FIVB). Đó là ở VCK cúp Mikasa và vòng giữ hạng sẽ được phân đều tổ chức tại 2 địa điểm đã tiến hành vòng 2 trước đó (làm việc lại với nhà tài trợ và cân đối về khoản lệ phí phải nộp của 2 địa phương). Đối với vòng đấu giữ hạng, nếu có 1 đội bỏ cuộc (đồng nghĩa chỉ có 1 đội xuống hạng) thì nên chọn 1 trong 2 phương án: đội xếp cuối của bảng 5 đội thi đấu với đội xếp thứ 5 của bảng còn lại, nếu thua thì đấu tiếp trận Play – off với đội thứ 6 bảng kia, đội nào thua rớt hạng. Còn nếu như ở trận đầu thắng đội thứ 5 thì đương nhiên đội thứ 6 của bảng kia rớt hạng (áp dụng cách xếp hạng mới của FIVB: đội nhiều điểm hơn xếp trên; nếu đồng điểm xét tổng số quả thắng/quả thua rồi mới đến tổng số ván thắng/ván thua nhằm đảm bảo tính chính xác hơn). Phương án 2 tổ chức một trận Play – off giữa 2 đội cuối mỗi bảng (đã thực hiện cách xếp hạng mới trong mỗi bảng theo quy định của FIVB), đội thua là đội duy nhất rớt hạng. Nếu trường hợp có đủ 4 đội dự vòng đấu giữ hạng, sẽ không tổ chức thi đấu vòng tròn như hiện nay (6 trận) mà sẽ tiến hành thi đấu loại sau 2 lần thua (chỉ 5 trận), lần lượt thứ tự các trận là: 1- 5A gặp 6B; 2 – 5B gặp 6A; 3 – thắng (1) gặp thắng (2); 4 – thua (1) gặp thua (2); 5 – thua (3) gặp thắng (4). Hai đội thắng ở trận 3 và trận 5 sẽ được trụ hạng.
Một điểm cần lưu ý là ở các năm lẻ trùng với thời điểm diễn ra SEA Games thì tất nhiên lịch đấu trong nước sẽ có sự điều chỉnh nhằm đảm bảo cho việc tập huấn của các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, lịch thi đấu của môn Bóng chuyền 2007, vòng 2 sẽ kết thúc trong tháng 7. Ngoài một vài đội nam được mời dự giải Bóng chuyền quốc tế Tp.HCM Sting Cúp (16 – 23/9), thì hầu như tất cả các đội mạnh còn lại đều phải nghỉ đến tháng 3 năm sau mới bắt đầu mùa giải mới (8 tháng).
Thiết nghĩ, việc biên soạn Điều lệ các giải thể thao Vô địch quốc gia hằng năm, nhất là đối với các môn ngày càng được dư luận xã hội quan tâm và đang dần bước trên con đường chuyên nghiệp hóa như: bóng đá, bóng chuyền vv… cần được giới chức có trách nhiệm nghiên cứu một cách thấu đáo để vừa đảm bảo xuất phát từ điều kiện phát triển thực tế của phong trào trong nước, vừa dựa trên cơ sở khoa học và các thông lệ của tổ chức quốc tế ở môn thể thao ấy quy định nhằm giúp cho sự phát triển được bền vững và đúng hướng.
Thanh Tùng (Sở TDTT Bến Tre)