Fespic Games 2006 – Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức ở thủ đô Kualumpur (Ma-lai-xi-a) đã kết thúc một thời gian (gần 2 tháng), nhưng tình cảm nồng ấm mà bạn bè các nước dành cho Việt Nam vẫn còn đọng lại sâu đậm trong tim những người trong đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam.
Nêu cao tinh thần, nghị lực của con người Việt Nam
Tại buổi Lễ xuất quân, đồng chí Nguyễn Trọng Hỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT đã căn dặn đoàn: “Các HLV, VĐV phải nhận thấy Fespic Games 2006 là nơi để đoàn thể thao Việt Nam và các đoàn bạn tăng cường giao lưu quốc tế. Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam thi đấu tại giải phải tạo ra được một hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam, đầy nghị lực vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống”. Đáp lại sự quan tâm của lãnh đạo ngành và sự kỳ vọng của đông đảo NHM Việt Nam, đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam (NKT) đã thi đấu xuất sắc không chỉ ở Đại hội thể thao NKT lần này mà còn trong nhiều kỳ đại hội trước.
Thể thao NKT Việt Nam tham dự đấu trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương bắt đầu từ năm 1989 (2000 VĐV ở 16 quốc gia) tại Kobe – Nhật Bản với 3 VĐV thi đấu ở 6 môn với mục đích học hỏi, cọ xát nâng cao trình độ cũng như kinh nghiệm thi đấu. Nhưng thật bất ngờ, năm đó VĐV Việt nam lại giành được HCB ở môn bắn súng hơi. Phong trào thể thao NKT Việt nam dần dần phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh, thành trên cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Quảng Trị, Tây Ninh…). Và từ 1990 cho đến nay, giải thể thao NKT toàn quốc đã trở thành giải đấu thường niên tại Việt Nam.
Ông Vũ Thế Phiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thể thao NKT Việt Nam, Trưởng đoàn Thể thao NKT Việt Nam cho biết: “Có thể nói, Fespic Games là một giải thể thao dành cho NKT lớn thứ 2 trên thế giới chỉ đứng sau Paralympic. Đây là giải có quy mô khá lớn, quy tụ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương gồm 61 nước. Với quy mô của giải như vậy, đòi hỏi các VĐV tham dự phải có một trình độ nhất định. Tuy nhiên, giữa các VĐV hoàn toàn không phải chỉ có sự ganh đua quyết thắng, mà đơn giản là họ muốn vượt qua chính mình, vượt lên trên sự khuyết thiếu của cơ thể để thực hiện những công việc bình thường như đua trên 1 chặng đường, bơi một vòng bể bơi… . Chỉ cần qua ánh mắt, qua những nụ cười, các VĐV cười vui với nhau, kết bạn với nhau, thực sự hiểu nhau dù ngôn ngữ bất đồng. Nhớ nhất là hôm giao lưu với đoàn Hồng Kông, Bruney, tuy không hiểu ngôn ngữ nhưng qua các động tác, qua ánh mắt, tình cảm VĐV các nước ngày càng thắm thiết hơn.”
Vượt qua vất vả, gian nan trên đất KuaLumpur
Ông Vũ Thế Phiệt, tâm sự: “Việc di chuyển của chúng tôi rất vất vả. HLV phải kiêm Săn sóc viên. Theo quy định, 3 VĐV/1 Săn sóc viên. Nhưng vì kinh phí quá eo hẹp nên không thể đảm bảo được theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Thêm nữa, trình độ ngoại ngữ của các cán bộ đoàn và nhất là các VĐV chưa đủ đáp ứng được nhu cầu giao lưu, kiểm tra lịch trình thi đấu, lộ trình di chuyển….trong khi đó lại chỉ có 1 phiên dịch. Dù vậy, các thành viên trong đoàn luôn động viên lẫn nhau, quyết tâm thi đấu, vượt khó để giành được thành tích, nêu cao bản lĩnh, tinh thần người Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi đánh giá, chưa năm nào đoàn Việt Nam đi thi đấu được phục vụ, bố trí ăn ở chu đáo như đại hội lần này. Tuy nhiên, số lượng tình nguyện viên rất ít, khoảng cách giữa các địa điểm thi đấu với khách sạn rất xa, thường mất khoảng 2 tiếng để đến nơi ăn, nghỉ. Nên các thành viên trong đoàn rất mệt mỏi và xuống sức. Song đoàn thể thao NKT của chúng ta đã vẫn liên tục giành được chiến thắng.
Những mốc son đáng nhớ
Điểm lại những kỳ đại hội trước mới có thể thấy rõ được sự tiến bộ vượt bậc của Thể thao NKT Việt Nam cả về số lượng lẫn chất lượng. Lần thứ nhất, chỉ có 3 VĐV, lần thứ 2 có 12 VĐV… lần thứ 5 có 57 VĐV. Và nếu như ở lần thứ 4 tại Busan đoàn thể thao NKT Việt Nam đạt được 3 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ thì đến lần thứ 5, thể thao NKT Việt nam đã giành được 9 HCV, 27 HCB, 31 HCĐ, xếp thứ 10/47 đoàn tham dự.
Chúng ta biết rằng, Trung Quốc là cường quốc thể thao ở cả 2 mặt trận thể thao đỉnh cao và thể thao dành cho NKT. Trung Quốc đã chiếm 2/3 tổng số HCV của Đại hội (198 HCV). Để giành được 1 HCV tại Đại hội này là một điều rất khó khăn bởi tại các trận chung kết (như 2 môn Bơi và Điền kinh), cứ 1 nội dung thì trung bình có 2 VĐV Trung quốc tham dự. Tuy nhiên, các VĐV Việt Nam đều đã xuất sắc vượt qua. Và tại môn Điền kinh cự ly 100m hạng T13, VĐV Đào Văn Cường đã giành được HCV, đồng thời phá kỷ lục Pespic Games.
Trong chiến công của đoàn thể thao NKT Việt Nam từ khi tham gia Đại hội đến nay, góp công nhiều nhất là các VĐV Điền kinh với 45 huy chương (5HCV, 20HCB, 20 HCĐ) với những gương mặt tên tuổi như: Nguyễn Văn Hồng, Đào Văn Cường, Quang Thế Nhiên, Đinh Hương. Tiếp đến là Bơi lội với 14 huy chương (4 HCV, 3HCB, 7HCĐ), do công của VĐV Anh Khoa đã góp 2 HCV nội dung 100m bướm và 100m tự do; 2 HCV còn lại thuộc về Nguyễn Thị Thủy (400m tự do) và Đặng Văn Công (100m bơi ngửa)…
Những thay đổi trong tương lai của Fespic games
Fespic Games được tổ chức 4 năm một lần - từ năm 1975 - đến nay đã qua 9 kỳ Đại hội. Việt Nam tham dự lần này là lần thứ 5. Đây cũng là lần cuối cùng Đại hội thể thao dành cho NKT khu vực Châu Á Thái Bình Dương mang tên là Fespic Games. Bởi đến Đại hội lần thứ 10 - 2010 sẽ được đổi thành ASION Games. Và hệ thống thi đấu sẽ không khác gì Paralympic.
Có thể khẳng định rằng, những gì mà các VĐV đoàn thể thao NKT Việt Nam đạt được là thành quả tất yếu sau những sự nỗ lực, vươn lên vượt qua khó khăn của các VĐV, HLV... Kết quả đó đã chứng minh rằng, phong trào thể thao của NKT đang phát triển rộng khắp ở hầu các nội dung. Đây có thể nói là kỳ đại hội thành công nhất của thể thao NKT Việt Nam. Trong tương lai, tại Paralympic: 1 tấm huy chương vàng sẽ là đích ngắm của thể thao NKT Việt Nam.