 |
Đua Ghe ngo - môn thể thao truyền thống được đồng bào dân tộc tỉnh Sóc Trăng yêu thích (Ảnh: Thạch Pic) |
Vào những ngày này, về các điểm chùa ở huyện Long Phú, nơi có đội ghe đăng ký tham gia tranh giải đua truyền thống cấp huyện cũng như tỉnh, không khí diễn ra khá nhộn nhịp, cùng với tiếng còi, tiếng trống thúc giục vang dội, khiến chúng tôi có cảm giác như đang được sống trong bầu không khí vui tươi của Lễ hội.
Ghé thăm chùa Bưng Phniết, xã Liêu Tú, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là các trai tráng Khmer địa phương đã tụ tập đông đủ; còn chị em phụ nữ là những người mẹ, người vợ và cả con cái của một số VĐV cũng nhiệt tình đến chùa từ rất sớm để chuẩn bị khâu hậu cần. Điển hình như gia đình anh Lâm Lạnh, ở ấp Bưng Phniết, ngoài hỗ trợ tiền, gạo cho nhà chùa, anh cùng vợ và cả con gái, con rể của mình đến chùa tiếp làm công quả và tập luyện môn thể thao dưới nước. Trước sự chia sẻ ấy, chị Tăng Thị Thanh (con gái anh Lạnh) vui vẻ cho biết: “Một năm chỉ có bơi đua 1 lần, nên hàng ngày sau khi sắp xếp chuyện nhà xong, tụi em đều đến chùa phụ giúp rửa rau, nấu cơm cho các VĐV ăn vào buổi trưa trước khi xuống sàn tập”.
Hiện nay, đội ghe chùa Bưng Phniết đã huy động trên 100 VĐV, đa số là nông dân nghèo chuyên đi làm thuê, làm mướn. Nhưng mỗi khi nhà chùa cần, các anh đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ. VĐV Thạch Hồng Giang tâm sự: “Dù thời điểm này anh em VĐV đang xuống giống, nhưng vẫn tranh thủ thời gian một buổi từ 13-16h để đến chùa tập luyện, với sự kỳ vọng sẽ mang thành tích cao nhất cho địa phương”.
Khác với đội ghe chùa Bưng Phniết VĐV nam tham gia tập luyện trên sàn ở buổi trưa; còn đội ghe ngo nữ chùa Đơm Pô (Đại Ân 2), thì cho tập luyện trên chiếc vỏ lãi và thuyền rồng vào mỗi buổi chiều. Theo cách lý giải của Ban Chủ nhiệm CLB Ghe ngo chùa, ông Thạch Sanh cho rằng: “Năm nay tụi tôi chỉ hạ thủy một đội ghe ngo nữ, chủ yếu là các tay bơi cũ, nên giai đoạn tập luyện trên sàn là không cần thiết. Bởi chị em cơ bản đã tập có nề nếp, đúng bài bản. Giải đua năm nay, chúng tôi quyết tâm sẽ giữ ngôi hậu của mình”.
Đua Ghe ngo vốn là môn thể thao dưới nước được nhiều người hâm mộ và trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu của bà con dân tộc Khmer nhân dịp lễ hội Oóc-om-bóc. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Long Phú là một trong những địa phương có phong trào đua ghe ngo truyền thống phát triển mạnh. Hàng năm ngoài tổ chức giải đua cấp huyện cho các tay đua có dịp cọ xát, thử sức, thử tài với nhau, Huyện ủy và UBND huyện còn trích ngân sách hỗ trợ cho các đội tập luyện chuẩn bị tham dự giải tỉnh.
Ông Thạch Thal - Phó Bí thư huyện ủy Long Phú cho biết: “Để chuẩn bị cho mùa giải đua ghe ngo năm nay, chúng tôi đã chỉ đạo cho các chùa có đội ghe ngo thành lập BHL. Qua đó, lãnh đạo huyện cũng thành lập nhiều đoàn đến hỏi thăm chúc sức khỏe, động viên tinh thần đến Ban huấn luyện cũng như VĐV của 6 đội ghe nam và 2 đội ghe nữ đề cao tính kỷ luật, tinh thần đồng đội để nâng cao sức mạnh trong thi đấu đạt thành tích cao, đem thành tích về cho làng thể thao huyện nhà. Cùng với đó, huyện luôn phát huy giải Đua Ghe ngo truyền thống cấp huyện để cọ xát, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Riêng năm nay, huyện đã hỗ trợ 30 triệu đồng cho 2 đội ghe ngo nữ (Tức Prey và Đơm Pô) và một đội ghe ngo nam chùa Bưng Phniết mỗi đội là 10 triệu đồng. Nếu đội ghe nào giành chiến thắng giải đua cấp huyện, UBND huyện sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng cho 3 đội, còn cấp tỉnh, nếu đội nào đoạt quán quân sẽ nhận sự tài trợ 10 triệu đồng, á quân là 7 triệu đồng và giải ba là 5 triệu đồng.
Thạch Píc