Dù Cờ Việt Nam đã chiến thắng tuyệt đối ở Đại hội thể thao Đông Nam Á, nhưng để đến với ASIAD với mục tiêu giành được huy chương Cờ Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn lớn.
Tăng cường sức mạnh nội tại
Trong thành phần các kỳ thủ mạnh nhất của Cờ Việt Nam có “sứ mệnh” “đem chuông đi đánh xứ người” có sự chênh lệch đáng kể về tuổi tác và kinh nghiệm thi đấu. Đào Thiên Hải, Nguyễn Anh Dũng, Đinh Đức Trọng của nam, Bảo Trâm, Thanh An của nữ, đã đến độ chín cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm. Ngược lại là Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm, Thanh Tú, Bích Ngọc còn rất trẻ.
Vì vậy, để trang bị cho các kỳ thủ có đủ kinh nghiệm thi đấu quốc tế, Bộ môn Cờ Việt Nam đã có kế hoạch mài dũa các kỳ thủ, tăng cường sức mạnh nội tại của mỗi kỳ thủ. Đó là các giải: Malysia mở rộng, giải Đại kiện tướng nữ tại Singapore, giải Dubai mở rộng và vào ngày 21/5 năm nay, đội tuyển cờ vua Việt Nam gồm 6 kỳ thủ nam, 4 kỳ thủ nữ sẽ sang Torino, Italia tham dự giải Olympic Cờ vua thế giới
Olympic Cờ vua – thử thách lớn
Đó chính là giải Olympic Cờ vua tại Italia. Đây luôn là sân chơi lớn nhất của làng cờ thế giới, quy tụ những kỳ thủ mạnh nhất của khoảng trên dưới 100 quốc gia. Thành phần tham dự sẽ là 6 kỳ thủ nam, 4 kỳ thủ nữ. Mục tiêu của 6 kỳ thủ nam (Đào Thiên Hải, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm, Từ Hoàng Thông, Đinh Đức Trọng) là quyết tâm lọt vào tốp 30 nam và 4 nữ (Lê Thanh Tú, Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thanh An, Phạm Bích Ngọc) thì quyết tâm lọt vào tốp 10 nữ.
Trên thực tế, các kỳ thủ nữ Việt Nam đã có một vị trí vững chắc trong làng cờ vua thế giới, việc tiếp tục trụ trong Top 10 thế giới hoàn toàn nằm trong khả năng của các VĐV. Một mục tiêu khác mà BHL các kỳ thủ nữ hướng tới tại giải này là Bích Ngọc và Thanh Tú có huy chương. Bởi một điều lệ “cực kỳ” ưu đãi tại giải cờ vua lớn nhất thế giới này là kỳ thủ nào có huy chương sẽ được phong thẳng kiện tướng, lấy đẳng cấp quốc tế.
Còn các kỳ thủ nam, thì việc lọt vào Top 30 đã là một thành công. Đặc biệt, tại giải đấu này, tinh thần của các kỳ thủ có lẽ sẽ được nâng lên rất nhiều nhờ sự góp mặt của một trọng tài cờ vua quốc tế duy nhất đại diện cho khu vực Đông Nam Á, là người Việt Nam, trọng tài quốc tế Nguyễn Anh Thư. Có một trọng tài Việt Nam được FIDE mời đích danh điều hành giải Cờ vua Olympic là một vinh dự của Cờ vua Việt Nam và khuyến khích tinh thần thi đấu của các VĐV Việt Nam.
Giải đấu tầm cỡ với mục tiêu khá cao của BHL thực sự là một áp lực của các VĐV cần phải vượt qua.
Những khó khăn đón đợi ở Qatar
Dù có thi đấu thành công ở các giải đấu quốc tế trước thềm ASIAD, các kỳ thủ có tăng cường và tích luỹ được thêm nhiều sức mạnh, song vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn tại ASIAD.
Bởi tại Đại hội thể thao châu Á, cờ vua chỉ thi đấu 2 nội dung: đồng đội nam, đồng đội nữ và có sự góp mặt của rất nhiều đối thủ cực mạnh: các kỳ thủ Trung Quốc được đánh giá là chỉ thua Nga ở một vài nội dung, Ấn Độ thì mạnh ở các nội dung nữ, với thủ lĩnh là ANăng, tay cờ số 1 thế giới, những tay cờ trẻ của Uzbekistan và chính nước chủ nhà Qatar.
Hoàn thành được mục tiêu giành được huy chương, vượt qua được những khó khăn thử thách trên hay không là trách nhiệm và quyết tâm thậm chí là một chút vận may của các kỳ thủ Việt Nam, mà chỉ vó sự nỗ lực hết mình, trau dồi, mài dũa kỹ thuật, tích luỹ kinh nghiệm mới có thể vượt qua và đạt được thành công.
Các giải đấu trong nước
Cờ vua các đội mạnh toàn quốc tiến hành tại Bà Rịa- Vũng Tàu từ ngày 01 đến 10/3/2006.
Giải vô địch cờ vua hạng nhất quốc gia tiến hành tại tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 02 đến 15/4/2006.
Giải vô địch cờ vua nhanh - cờ chớp từ ngày 10 đến ngày 17/5 năm 2006 tại TP - Hồ Chí Minh và cờ tiêu chuẩn từ ngày 13 đến 23/9/2006 tại TP Cần Thơ… vẫn tiếp diễn với mục đích tìm kiếm, bổ sung, thay mới, tạo cơ hội cho những kỳ thủ có khả năng khác tham gia đội tuyển quốc gia, tranh tài và đem vinh quang về cho tổ quốc.
Mai Hồng