Giải nhảy trượt tuyết thế giới 2025, diễn ra tại thành phố Trondheim (Na Uy), đã khép lại với chấn động lớn khi đội chủ nhà bị phát hiện gian lận. Vụ việc không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm của một môn thể thao lâu đời mà còn khiến danh tiếng của Na Uy, quốc gia giàu truyền thống nhất trong môn này, bị tổn hại nghiêm trọng.
Một nhà báo Ba Lan đã phanh phui sự thật gây sốc khi quay được cảnh HLV Magnus Brevig và kỹ thuật viên Adrian Livelten bí mật chỉnh sửa bộ đồ thi đấu của các VĐV Na Uy. Những bộ đồ này được gia cố bằng các mũi khâu đặc biệt sử dụng dây cứng, giúp chúng ổn định hơn và giảm lực cản không khí khi các VĐV lướt trên không. Điều này mang lại lợi thế lớn trong một môn thể thao mà từng centimet khoảng cách đều mang ý nghĩa quyết định.
Không dừng lại ở đó, đội ngũ kỹ thuật của Na Uy còn sửa đổi chip chứng nhận hợp lệ của bộ đồ. Những con chip này, vốn hoạt động như "thẻ ID" để đảm bảo trang phục đáp ứng tiêu chuẩn, đã bị thay đổi nhằm qua mặt các cuộc kiểm tra của ban tổ chức.
Hành động gian lận này nhanh chóng bị các đội tuyển Ba Lan, Slovenia và Áo phát hiện và đệ đơn phản đối lên Liên đoàn Trượt tuyết Quốc tế (FIS). Kết quả, những ngôi sao hàng đầu của Na Uy như Marius Lindvik – đương kim vô địch Olympic mùa đông – bị tước huy chương bạc, trong khi Johann Andre Forfang và Kristoffe Sundal cũng bị hủy thành tích.
Liên đoàn Trượt tuyết Na Uy không còn cách nào khác ngoài việc thừa nhận sai phạm. HLV Brevig và kỹ thuật viên Livelten đã bị đình chỉ ngay lập tức. Trưởng bộ môn nhảy trượt tuyết, ông Jan-Erik Aalbu, bày tỏ sự thất vọng sâu sắc: "Tôi đã bị Brevig lừa dối. Chúng tôi sẽ điều tra đến tận cùng để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan."
HLV Brevig, 41 tuổi, đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm: "Chúng tôi đã gian lận và làm người hâm mộ thất vọng. Quyết định này được đồng thuận, nhưng là HLV, tôi đáng lẽ phải ngăn chặn nó. Chúng tôi đã mờ mắt vì thành tích và đi quá giới hạn. Tôi chân thành xin lỗi."
Trong khi đó, các VĐV như Lindvik và Forfang khẳng định họ không biết bộ đồ thi đấu là bất hợp pháp, nhưng vẫn nhận trách nhiệm vì đã không kiểm tra kỹ lưỡng.
Vụ bê bối đã khiến các nhà tài trợ quay lưng với đội tuyển Na Uy. Một công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng, sau 14 năm đồng hành cùng đội, quyết định gỡ bỏ biểu tượng của mình khỏi trang phục thi đấu. Một công ty luật cũng tuyên bố rút tư cách nhà tài trợ. Đồng thời, FIS đang tiến hành điều tra và chuẩn bị đưa ra án phạt nặng cho đội tuyển Na Uy.
Na Uy, quốc gia từng tự hào là cái nôi của môn nhảy trượt tuyết với 12 huy chương vàng Olympic, giờ đây phải đối mặt với một trong những bê bối lớn nhất lịch sử. Từng là đoàn có thành tích tốt nhất ở 6 kỳ Olympic mùa đông đầu tiên, họ giờ đây phải trả giá đắt cho tham vọng vượt quá giới hạn.
Vụ việc này không chỉ là bài học cho Na Uy mà còn là lời cảnh tỉnh cho toàn bộ cộng đồng thể thao: Thành công chỉ thực sự ý nghĩa khi đạt được bằng sự công bằng và chính trực.
Vy An