Càng được đánh nhiều trận càng tốt
“Đây là giải mới, nên chúng tôi không nặng nề chuyện giành HCV. Nhưng các cuộc đấu sẽ rất quyết liệt, bởi với mục tiêu thi đấu cọ xát là chính, chúng tôi chủ trương VĐV càng đánh vào sâu, càng đánh được nhiều trận càng tốt. Với dân chuyên môn, cách tốt nhất để phát triển trình độ VĐV, giúp các võ sĩ nhanh chóng dạn đòn, dày dạn kinh nghiệm trận mạc chính là liên tục được thi đấu với những người giỏi hơn mình. Trong số các võ sĩ quốc tế tham dự giải này, nhiều người có thành tích rất tốt, nhất là số võ sĩ Quảng Đông, Quảng Tây, Hàn Quốc” - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Taekwondo Hà Nội, Phó Trưởng BTC giải cho biết.
* Diễn ra từ 15 đến 18-12, tại NTĐ Trịnh Hoài Đức
|
* Tổng số có 142 VĐV thuộc 15 đội góp mặt, trong đó có các VĐV mạnh của Quảng Châu, Quảng Tây, Quế Lâm (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hồng Công, Thái Lan, Mỹ, Niu Dilân, Ma Cao, Lào... Việt Nam góp mặt với 3 đội, gồm các tuyển thủ quốc gia và những võ sĩ đã đoạt HC tại giải vô địch toàn quốc 2004.
|
Hà Nội tập trung đầu tư cho môn Taekwondo từ năm 1987. Ban đầu chỉ có một vài CLB nhỏ lẻ, đến nay đã lên đến 40 - 50 CLB với hàng chục nghìn người tập. Tại giải vô địch năm 2004, Taekwondo Hà Nội đã qua mặt trung tâm Taekwondo hùng mạnh TP Hồ Chí Minh để đoạt ngôi vô địch toàn đoàn với chiến thắng thuyết phục ở nhiều hạng cân đối kháng. Lứa VĐV “vàng” của Taekwondo Hà Nội còn rất trẻ, được tuyển chọn kỹ lưỡng về thể hình, thể lực, và được chuyên gia Hàn Quốc huấn luyện từ nhiều năm nay với mục tiêu rõ ràng: chinh phục đấu trường khu vực, châu á, đoạt vé chính thức tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Để đạt mục tiêu ấy, cùng với những đợt tập huấn và thi đấu nước ngoài, việc Hà Nội tự tổ chức giải mời chất lượng cao cho VĐV cọ xát là vô cùng cần thiết và quan trọng.
Dù tốn kém cũng phải làm
Trong chiến lược của thể thao thành tích cao Hà Nội, Taekwondo được xếp vào diện ưu tiên số 1 để đột phá vào đấu trường Olympic. Nhưng để tổ chức một giải quốc tế như thế này, “mèng” nhất cũng phải 400 - 500 triệu. Trong khi nhiều giải không được duy trì thường xuyên vì thiếu kinh phí, giải Taekwondo quốc tế Hà Nội mở rộng vẫn được tổ chức đều đặn 11 năm qua, và trở thành một trong những giải đấu quốc tế có bề dày nhất của Hà Nội. Yếu tố nào giúp BTC làm được điều đó ?
Thứ nhất, cốt yếu là BTC đã xác định rõ: dù tốn kém vẫn phải duy trì giải này. Bởi ngoài ý nghĩa là cơ hội cọ xát cho các võ sĩ, giải đấu còn là cơ hội để thể thao Hà Nội thắt chặt các mối quan hệ với các cường quốc thể thao Trung Quốc, Hàn Quốc. Chính vì vậy, Sở TDTT luôn dành một khoản kinh phí hằng năm cho giải đấu. Thứ hai, Taekwondo là môn võ thuật thể thao truyền thống của Hàn Quốc. Đại sứ Hàn Quốc Yoo Tae-Hyun hy vọng giải đấu sẽ “đánh dấu thêm một mốc mới trong sự phát triển của môn Taekwondo tại Việt Nam và nối kết mọi người lại với nhau trong tình hòa bình và hữu nghị”. Đây là một yếu tố quan trọng giúp Hà Nội giải quyết được chuyện “cái khó bó cái khôn”, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các chuyên gia Hàn Quốc cũng như các quan chức Liên đoàn Taekwondo châu lục và thế giới. Ông Hùng cho biết: “Rất nhiều Cty của Hàn Quốc đã vào cuộc, tài trợ võ phục, mũ, thảm, đệm... cho VĐV. Từ năm 2002 đến nay, Cty ôtô Việt Nam - Daewoo (VIDAMCO) đã nhận tài trợ cho giải mỗi năm 300 triệu đồng. Nguồn kinh phí huy động từ doanh nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác tổ chức giải thành công”.
Sau mỗi kỳ tổ chức giải là thêm cơ hội để VĐV được đi tập huấn nước ngoài. Ví như sau giải năm 2004 này, Hà Nội sẽ có 2 nhóm VĐV được đi tập huấn tại Quảng Tây (3 tháng) và Hàn Quốc (6 tháng). Đối với nhà tổ chức, chính điều này - chứ không phải những tấm huy chương - là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực duy trì giải đấu