Trong quy hoạch phát triển thể thao thành tích cao của ngành TDTT từ 2002 đến 2010 (đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2002) xác định rõ: "Giữ vững vị trí là 1 trong 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, phấn đấu vươn lên đấu trường Châu Á và giành thứ hạng cao trong các cuộc thi vô địch thế giới và Olympic" là một trong những mục tiêu hàng đầu mà thể thao Việt Nam quyết tâm đạt được.
Trong giai đoạn này (2007 và 2008), có thể nói là khoảng thời gian sẽ diễn ra nhiều sự kiện thể thao trọng đại như: SEA Games 24, ASIAN Indoor Games II và Olympic 29. Sự thành công của đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ Đại hội này sẽ là đóng góp lớn trong thành tích chung của ngành TDTT. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, để chuẩn bị toàn diện cho các cuộc tranh tài sắp tới, lãnh đạo Uỷ ban TDTT đã trực tiếp chỉ đạo Vụ Thể thao thành tích cao I xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự các sự kiện trên. Cụ thể:
Đại hội thể thao ĐNA lần thứ 24
SEA Games 24 sẽ diễn ra từ ngày 06 đến 15/12/2007 tại Thái Lan thi đấu tại 40 môn thể thao với 441 bộ huy chương (dự kiến). Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự 30/40 môn thi của Đại hội. Theo nhận định của giới chuyên môn, trong tổng số các môn tham dự, đoàn thể thao Việt Nam khó có thể giành được HCV ở 10 môn thể thao, chiếm khoảng 47 bộ huy chương: Bắn cung, Bóng rổ, Bowling, Golf, Quần vợt, Bóng chuyền, Cầu lông, Dance Sport, Bóng nước, Thuyền truyền thống. Như vậy, Việt Nam đã không có khả năng giành huy chương và HCV ở 20/40 môn thi với 86/441 bộ huy chương trong chương trình. Thế mạnh của các môn này thuộc về Thái Lan, Philippines, Indonesia và một vài môn của Maylaysia, Singapore.
Để đạt được mục tiêu là 1 trong 3 nước dẫn đầu Đại hội thể thao ĐNA, với chỉ tiêu dự kiến từ 52 đến 68 HCV, đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự với 571 VĐV và 161 HLV (dự kiến), tập trung giành huy chương ở 20 môn trọng điểm như: Điền kinh, Bắn súng, Thể dục, Judo, Vật, Wushu, Karatedo, Teakwondo... riêng Bóng đá nữ sẽ tiếp tục giữ vững vị trí số 1 và Bóng đá nam được vào chung kết.
Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ II
Xác định mục đích tham dự là học tập kinh nghiệm về công tác tổ chức các môn thi đấu của Đại hội để chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức tại Việt Nam năm 2009, đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ II (được tổ chức tại Macao - Trung Quốc từ 26/10 đến 4/11/2007) với 119 VĐV và 35 HLV, quyết tâm giành từ 1 - 2 HCV, 6 - 7 HCB và 4 HCĐ.
Tại Đại hội lần này, các VĐV sẽ tham gia tranh tài ở 15 môn, gồm: Dance Sport, Sport Aerobic, Billiard, Bowling, Cờ vua, Cờ tướng, Bóng đá trong nhà, Cầu mây, Điền kinh, Bơi, Lặn (bể 25m), Xe đạp, Hookey, Muay và Múa lân sư rồng. Việt Nam sẽ không tham dự 7 môn.
Đại hội Olympic Bắc kinh 2008
Olympic là đấu trường lớn nhất hành tinh, dự kiến sẽ có khoảng 10.000 đến 12.000 VĐV xuất sắc trên toàn thế giới, trong đó có hàng ngàn VĐV vô địch thế giới, vô địch Olympic và các châu lục của trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia tranh tài. Chính vì vậy, khả năng giành được huy chương tại đấu trường này là rất khó khăn. Việt Nam chỉ đặt ra 2 mục tiêu là tham gia phong trào Olympic để hoà nhập, phát triển, tăng cường sự hợp tác và tình hữu nghị với các nước trên thế giới; Nâng cao trình độ thể thao cũng như kiểm nghiệm trình độ của các VĐV ưu tú nhất ở một số môn, nội dung thi đấu có thế mạnh của Việt Nam tham dự.
Việc vượt qua được vòng loại ở một số môn như: Cử tạ, Teakwondo, Bắn súng, Thể dụng dụng cụ... và giành được từ 1 đến 3 huy chương đã là một thành công lớn đối với thể thao Việt Nam tại đấu trường này.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi hiệu quả kế hoạch tham gia thi đấu các Đại hội, biện pháp ưu tiên số 1 được lãnh đạo ngành cũng như các nhà quản lý, ban huấn luyện đưa ra là tập trung cho việc tuyển chọn được những VĐV ưu tú nhất ở các nội dung có khả năng giành huy chương, đặc biệt là HCV. Đồng thời, chế độ chăm sóc đặc biệt cho các VĐV này cũng cần được quan tâm và đầu tư thích đáng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng bất cứ cá nhân nào mà đòi hỏi sức mạnh tổng lực từ tinh thần đoàn kết, từ việc xây dựng đến triển khai kế hoạch thực hiện thi đấu. Phát huy thành tích đã đạt được qua các kỳ Đại hội, thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ tạo nên những bước đột phá mới và cụ thể hoá những chỉ tiêu bằng các tấm huy chương Vàng.
Xuân Nhi