 |
Thể thao cơ sở tại Vĩnh Long đã đạt được những kết quả đáng biểu dương (Ảnh: Nguyễn Sâm) |
Theo số liệu thống kê của Sở VH,TT&DL Vĩnh Long, trung bình hàng năm có khoảng 15% số người tham gia tập luyện TDTT, trong đó đối tượng thanh niên chiếm 8%, thiếu niên chiếm 5%, các đối tượng khác chiếm 2%, gồm các môn như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cờ tướng, Chạy việt dã, Thể dục buổi sáng và các trò chơi dân gian.
Công tác tổ chức quản lý, bộ máy và cán bộ của cơ sở được sự quan tâm chỉ đạo của huyện ủy, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Đảng ủy và Uỷ ban nhân dân cấp xã. Bố trí cán bộ phù hợp năng lực, trình độ chuyên môn; công tác qui hoạch đội ngũ cán bộ cho tương lai có định hướng tốt về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và trình độ chính trị tốt, có nơi cử cán bộ trẻ tham gia đào tạo tại các trường, trung tâm TDTT trong và ngoài tỉnh. Hầu hết cán bộ mới bổ nhiệm, chưa qua đào tạo TDTT, đây cũng là hạn chế tác động ảnh hưởng đến quá trình phát triển của phong trào TDTT của cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua.
Căn cứ kế hoạch hoạt động hàng năm của Sở, đặc biệt của cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Nghị quyết của huyện ủy, các đơn vị huyện, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí trình Uỷ ban nhân dân phê duyệt và từ đó căn cứ để hoạt động. Trong năm 2009 – 2010, để thực hiện tốt công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp trong tỉnh, các đơn vị đã tham mưu tốt cho huyện ủy, Đảng ủy xã đưa vào Nghị quyết thực hiện. Tạo điều kiện thuận lợi chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp cơ sở trong năm 2009 – 2010 vừa qua.
Ngoài ra hàng năm nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các xã cũng đã vận động tốt công tác xã hội hóa ủng hộ tài trợ các giải thi đấu thể thao tại xã, tổ chức hàng trăm cuộc thi đấu thể thao với kinh phí ước hơn 100 triệu đồng từ những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn. Tiêu biểu như: xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm; xã Thới hòa huyện Trà Ôn; xã Đông Thành huyện Bình Tân; xã Mỹ Lộc huyện Tam Bình; xã Mỹ Phước huyện Mang Thít; xã Hòa Ninh huyện Long Hồ; xã Tân Hội thành phố Vĩnh Long và xã Đông Bình huyện Bình Minh.
Ngoài sự tăng nhanh về số lượng người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, hệ thống cơ sở vật chất tại cơ sở cũng được nâng cấp thường xuyên. Tính đến tháng 9/2010, toàn tỉnh có 17 sân Bóng đá, 1 sân Điền kinh, 30 sân Quần vợt, 63 sân Bóng chuyền, 2 sân Bóng rổ, 3 bể bơi... các công trình này được phân bổ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân.
Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động TDTT cơ sở hàng năm được cấp từ 5 – 7 triệu đồng/năm, bao gồm tổ chức các hoạt động và trả phụ cấp cho cán bộ. Nguồn kinh phí này không thể đảm bảo cho công tác tổ chức các giải thể thao của xã và tham dự giải thể thao huyện. Một số xã làm tốt công tác vận động xã hội hóa thì phong trào được duy trì và tổ chức tốt, tiêu biểu như: xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long 20 – 30 triệu/năm; xã Thới Hòa huyện Trà Ôn 10 – 15 triệu/năm; xã Mỹ Phước huyện Mang Thít 10 triệu/năm
Cùng với những kết quả đạt được, công tác TDTT ở xã, phường, thị trấn tại Vĩnh Long vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập: như hệ thống cơ sở vật chất chủ yếu được tập trung ở thành phố, thị xã; sự chênh lệch về số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên ở các địa phương trong tỉnh quá lớn, tập trung chủ yếu ở vùng đông dân, còn những vùng sâu, vùng xa thể thao chưa được đầu tư chú trọng.
Để phong trào TDTT ở xã, phường, thị trấn của tỉnh Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, thiết nghĩ cần có một số giải pháp sau: Cần có mô hình Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã. Trước mắt áp dụng cho các xã điểm Nông thôn mới; bố trí ít nhất 1 cán bộ chuyên trách công tác TDTT tại mỗi đơn vị xã, phường; hàng năm mở những lớp đào tạo cán bộ quản lý, hướng dẫn viên thể thao các môn, trọng tài thể thao cho cơ sở; tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư công trình thể thao, tài trợ tổ chức các giải thể thao, hình thành các CLB thể thao; có chính sách qui định cụ thể về tiêu chuẩn bồi dưỡng, khen thưởng tổ chức giải thi đấu thể thao cấp cơ sở; tập trung đầu tư xây dựng công trình thể thao trọng điểm đối với các xã điểm Nông thôn mới của tỉnh, để làm đòn bẩy bật lên phong trào điển hình, công trình này phải được sử dụng cho cả khu vực cụm xã hoạt động được bao gồm sân bóng đá, nhà thi đấu thể thao và phải gắn với hoạt động của nhà văn hóa cấp xã của địa phương.
Vũ Khoa