Nhằm mục tiêu duy trì trong top ba đoàn dẫn đầu tại SEA Games 23 – 2025, ngành thể thao Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức trong việc triển khai công tác năm 2025. Hai kỳ SEA Games liên tiếp đứng đầu khu vực Đông Nam Á là niềm tự hào của thể thao Việt Nam (TTVN) nhưng đã đến lúc chúng ta phải chú trọng vào việc phát triển tối đa các nội dung và số môn có trong chương trình ASIAD, Olympic.
Theo thông báo của nước chủ nhà Thái Lan, SEA Games lần thứ 33 sẽ được tổ chức tại Bangkok, Chonburi và Songkhla từ ngày 9 đến 20/12/2025 với sự tham gia của 11 đoàn thể thao quốc gia Đông Nam Á. Đại hội sẽ có 50 môn và phân môn, tổng cộng 574 bộ huy chương.
Các môn thi được sắp xếp như sau: Nhóm I, gồm 18 môn thể thao sẽ có mặt tại Thế vận hội mùa đông Milan 2026 và Thế vận hội mùa hè Los Angeles 2028 như điền kinh, bơi, bắn cung, cầu lông, bóng rổ, canoeing, rowing...; Nhóm II bao gồm các môn ASIAD, AIMG gồm 18 môn thể thao và nhóm III, gồm 4 môn thể thao là cờ vua, teqball, kickboxing, woodball. Nhóm 3 môn biểu diễn gồm Flying disc, kéo co, Airsport.
Như vậy, đại hội thể thao khu vực sẽ được tổ chức với nhiều môn mới bao gồm các môn thể thao mùa đông và mùa hè, hứa hẹn đây sẽ là kỳ SEA Games sôi động nhằm chuẩn bị cho các vận động viên của khu vực có được quá trình chuẩn bị tốt hơn tại các kỳ Olympic và ASIAD.
Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết qua rà soát lực lượng VĐV và các môn thể thao trọng điểm, TTVN sẽ chú trọng tập trung khoảng 11-17 môn với các nội dung trọng điểm tại SEA Games 33 để đầu tư lâu dài về thành tích, tăng chất lượng huy chương nhằm liên thông chuẩn bị nguồn cho ASIAD 2026 và Olympic 2028.
Ông Vinh phân tích về SEA Games 33: "Trình độ của một số môn tại đấu trường SEA Games hiện đã đạt đến đẳng cấp Olympic và ASIAD, như cầu lông có các VĐV của Indonesia, Thái Lan; thể dục thì có Philippines; đấu kiếm có Singapore… Ngoài các môn như bắn súng, cử tạ và đua thuyền, VĐV của nhiều quốc gia ở khu vực còn đạt đến tầm thế giới. Vì thế việc cạnh tranh thành tích ở các môn trên là rất khốc liệt. Kế đến, tại kỳ SEA Games này sẽ có khoảng 24 môn gồm 97 nội dung của các môn mùa Đông, do chưa phát triển các môn này nên Việt Nam không tham dự.
Bên cạnh đó, trừ bắn súng mới có trường bắn hiện đại sau SEA Games 32, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia còn hạn chế và ứng dụng khoa học công nghệ như AI trong huấn luyện, thi đấu còn yếu".
Tại SEA Games 33, TTVN đặt mục tiêu đoạt được từ 75-85 huy chương vàng, đứng trong top 3 của Đại hội.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Thể thao Việt Nam phải chuẩn bị tuyển chọn lực lượng tốt nhất tham dự đầy đủ nhóm môn Olympic và ASIAD theo điều lệ SEA Games, tập trung trọng điểm vào 14 môn Olympic gồm: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Thể dục, Cử tạ, Đấu kiếm, Boxing, Taekwondo, Xe đạp, Bắn cung, Cầu lông, Judo, Vật, Đua thuyền; 3 môn ASIAD gồm: Wushu, Cầu mây, Karate, trong đó chú trọng các nội dung thế mạnh của Việt Nam ở các hạng cân nhỏ, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, linh hoạt và đặc biệt là phù hợp với các VĐV nữ.
Xác định các môn, nội dung thi đấu mà Việt Nam có khả năng giành huy chương để tuyển chọn VĐV, tổ chức tập huấn các VĐV xuất sắc, huấn luyện viên giỏi có kinh nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; thành lập Hội đồng tuyển chọn, kiểm tra, đánh giá công tác huấn luyện các đội tuyển theo từng thời kỳ, giai đoạn tập huấn.
TTVN dự kiến sẽ tập trung khoảng hơn 4.000 VĐV đội tuyển và tuyển trẻ, 674 huấn luyện viên và 29 chuyên gia tại 5 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia trên cả nước.
Để tăng cường cơ hội thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ cho các VĐV, các đội tuyển quốc gia sẽ thi đấu ở khoảng 260 giải đấu trong nước và khoảng 280 giải đấu quốc tế. Đây cũng là dịp để chúng ta kiểm tra đánh giá công tác huấn luyện nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch huấn luyện.
Hiện nay thành tích của thể thao không thể tách rời việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trí tuệ AI trong công tác huấn luyện và thi đấu, trợ lý ảo sẽ giúp các HLV, VĐV phân tích đầy đủ về các thông số thể chất, kỹ thuật, chiến thuật và đối thủ, do vậy việc ứng dụng khoa học này là điều kiện tiên quyết và rất cần thiết. Đặc biệt các VĐV cần được bổ sung dinh dưỡng để nâng cao khả năng hấp thụ và chuyển hóa năng lượng trong quá trình tập luyện và thi đấu.
Lam Đan