Dư âm từ trận đấu chia tay "Thế hệ vàng" chỉ càng làm NHM thấy rõ hơn một thực trạng của Bóng đá Việt Nam - thiếu tài năng. Trong số 5 cầu thủ ghi bàn hàng đầu thì chỉ có duy nhất một cầu thủ nội. Và sự xuất hiện quá nhiều của ngoại binh trong hàng ngũ các CLB khiến cho V-League 2005 gần như biến thành sàn diễn của các cầu thủ ngoại. Kết quả bình chọn V-League 2005 đã chỉ ra sự chênh lệch trình độ chuyên môn giữa nội và ngoại binh một cách rõ ràng nhất.
Sự xuất hiện của các cầu thủ ngoại tại các CLB cũng có mặt tích cực của nó. Sẽ rất tốt cho các cầu thủ của chúng ta có thêm cơ hội cọ xát, học hỏi, nâng cao trình độ. Song một số cầu thủ trẻ thay vì tận dụng cơ hội, lại cảm thấy yếu kém về chuyên môn, nảy sinh tư tưởng buông xuôi. Không có ý chí phấn đấu, dễ dàng thả nổi như vậy liệu có xứng với một thế hệ đầy ý chí và tham vọng hay không? Cách làm đúng là các cầu thủ trẻ cần chấp nhận thực tế, tự phấn đấu để trở nên tốt hơn, để có thể cạnh tranh với các cầu thủ ngoại, để từng bước thay đổi hiện trạng đáng buồn này của bóng đá Việt Nam..
Vẫn biết "nhập khẩu" là một xu thế tất yếu không thể tránh được của một nền bóng đá đang phát triển và không thể phủ nhận ngoại binh là nhân tố tăng tính hấp dẫn ở mỗi trận đấu, song ở một khía cạnh sâu xa nào đó, liệu các nhà cầm quân có quá sa đà vào bệnh thành tích, để rồi biết mà vẫn làm lơ trước một thực tế hiển nhiên là sự thiếu hụt trong công tác đào tạo lực lượng trẻ. Ví dụ điển hình là đã 4, 5 mùa qua, bóng đá đã thử nghiệm việc thuê ngoại binh chấn giữ các vị trí trung vệ, thủ môn, tiền vệ và tiền đạo. Vị trí hậu vệ biên (trái hoặc phải) là "hàng độc" của nội binh, ấy thế mà khi ông Tavaes tuyển quân cho đội hình thi đấu Tiger Cup vừa qua thì yêu cầu "đãi cát tìm vàng" chẳng thể đáp ứng.
Vậy, để có một nền bóng đá tiến bộ trước tiên chẳng nên trách ai mà hãy tự nhìn lại chính mình, và làm sao đặt lợi ích chung lên trên cái tôi cá nhân. Làm được như vậy, tất yếu sẽ thành công!!!
A.T