Ngày 17/9, khởi tranh giải Cờ Vua Triết Giang (Trung Quốc) mở rộng, đại KTQT Lê Quang Liêm (Elo 2.602) lần đầu tiên là hạt giống số 1 tại đây. Mấy ai biết, 1 tuần trước, vừa Vô địch giải Cờ Vua Kolkata (Ấn Độ) mở rộng trở về là Lê Quang Liêm sốt li bì, sụt 3kg và uống thuốc liều cao để kịp “chiến đấu” tiếp giải này. Để có thể thi đấu quốc tế với mật độ dày đặc thế này, Lê Quang Liêm và gia đình vừa có quyết định quan trọng đối với nghiệp cờ của Liêm là xin bảo lưu kết quả vừa thi đỗ Đại học Sài Gòn (ngành tài chính-ngân hàng) 1 năm nhằm tập trung cho chuyên môn.
Vừa học giỏi, vừa đam mê Cờ Vua
Lần đầu tiên được gia đình tự túc chi phí cho thi đấu quốc tế tại giải Vô địch các nhóm tuổi Châu Á, Liêm đoạt ngay HCB lứa tuổi U.10, rồi đoạt luôn HCB U.10 thế giới trong cùng năm ấy (năm 2001). Từ đó, Liêm liên tục chiếm ngôi quán quân hoặc á quân lứa tuổi của châu lục và thế giới, nổi bật nhất là năm 2004, Liêm Vô địch U.14 cả ở Châu Á lẫn thế giới. Trong lúc các đàn anh mất khoảng 2 năm đến 5 năm tập huấn nước ngoài mới “thu hoạch” danh hiệu đại KTQT thì Lê Quang Liêm lần lượt thâu tóm 2 danh hiệu KTQT, Đại KTQT trong vòng một năm – từ tháng 8/2005 đến tháng 7/2006.
 |
Quang Liêm thi đấu với Karjakin năm 2008 (Ảnh: Ngọc Diệp) |
Không chỉ đam mê Cờ Vua và gặt hái thành tích tốt, Lê Quang Liêm còn là học sinh cừ khôi với 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cuộc sống của VĐV đỉnh cao luôn là chuỗi hoạt động lặp đi lặp lại những chuyện tập luyện-ăn-nghỉ-hồi phục. Để bố mẹ yên tâm cho theo đuổi Cờ vua, Lê Quang Liêm có thêm nhiệm vụ phải học văn hóa tốt nhất có thể. Từ năm 2001, mới 10 tuổi, Lê Quang Liêm đã làm quen áp lực tự cân bằng giữa thi đấu và học tập, với 3 giải/năm, nghĩa là phải nghỉ học từ 12-15 ngày cho mỗi giải; năm 2002 là 5 giải; từ năm 2004 trở đi trung bình 7-8 giải/năm. Tháng 10/2008, mới vào đầu năm học lớp 12, Liêm chỉ có thể đến lớp 5 ngày do bận dự Đại hội các môn thể thao trí tuệ toàn cầu và giải Trẻ thế giới.
Thừa hưởng tính hiếu học từ bố, mẹ (mẹ từng là học sinh chuyên toán đoạt giải thưởng ở tỉnh Thuận Hải cũ vào năm 1979), Liêm tự học từ nhỏ nên luôn tranh thủ thời gian để đảm bảo việc học tập và chơi cờ. Nhớ lần Vô địch giải hạng nhất toàn quốc 2007 ở thành phố Huế, nhận cúp xong là Liêm ra sân bay để về nhà đi học, trên chuyến bay Liêm còn tranh thủ ôn bài do 2 ngày sau phải thi kiểm tra cuối học kỳ. Đáng mừng là gia đình luôn đồng hành với Liêm.
Khi Liêm nghỉ học để thi đấu hoặc tập huấn nước ngoài, bố photocopy bài học giúp Liêm, mẹ thì kèm ngoại ngữ và anh Lê Quang Long (cũng là VĐV Cờ Vua TPHCM) dạy kèm Toán, Lý, Hóa. Kết quả Liêm đã đậu Đại học (được 18,5 điểm so với 17 điểm chuẩn). Dù số điểm đạt được không quá cao nhưng đó cũng là sự cố gắng, nỗ lực hết sức của Lê Quang Liêm. Giỏi cả văn hóa lẫn Cờ Vua, nhưng Lê Quang Liêm không có biểu hiện “ngôi sao”, Liêm bộc bạch: “Khi đạt kết quả tốt em có hỉnh mũi một chút nhưng không lâu, vì mẹ thường nhắc em “thắng không kiêu, bại không nản”. Em vẫn cố gắng để giải đấu khác có thành tích tốt hơn. Em tự tin vì hiểu không thể tạo kỳ tích nếu không tập luyện nghiêm túc và tôn trọng đối thủ”.
Tự tin hơn
Tại giải Đại Kiện Tướng Kolkata lần thứ 4 được tổ chức tại CLB Cờ Vua Alekhine, Kolkata, Ấn Độ từ ngày 1/9 đến 10/9/2009, kỳ thủ Lê Quang Liêm đã lập kỳ tích mới khi giành chiến thắng tuyệt đối (10 ván toàn thắng, và hòa). Đây là một giải khá mạnh với 116 VĐV từ 17 quốc gia tham dự , trong đó có các cao thủ của thế giới như Mamedyarov (AZE), Short (ENG), Ni Hua (CHN)... HLV Lâm Minh Châu (TPHCM) cũng nhận thấy: “Liêm ở giải này rất khác so với những giải trước, tự tin hơn và tập trung thi đấu hơn”. Sự thay đổi đáng mừng này, một phần xuất phát từ chuyện Quang Liêm vừa được Sở VH,TT&DL TPHCM cho học cờ với ĐKTQT Bareev Evgeny (sinh năm 1966). Chuyên gia Nga này có Elo cao nhất từng đạt 2739 (tháng 10/2003, đứng thứ 4 trong Top 100 thế giới sau các ĐKTQT Kasparov, Kramnik, Anand), thuộc tuyển Nga đoạt ngôi Vô địch Olympiad năm 1990, 1994, 1996, 1998 và Vô địch đồng đội thế giới năm 1997, 2005; từ năm 2000- 2004, là phụ tá cho nhà Vô địch Vladimir Kramnik ở các giải đấu tay đôi tranh chức Vô địch giữa Kasparov - Kramnik; Leko- Kramnik.
Phần khác, phải kể đến bản lĩnh của ĐKTQT trẻ Lê Quang Liêm khi Liêm quyết định áp dụng “bí kíp” mới học từ thầy Bareev vào các ván đấu quyết định như ván 7 và ván áp cuối, nhằm vươn lên dẫn đầu giải, và chắc chắn có huy chương trước 1 vòng đấu, như Liêm tâm sự: “Trong nhiều phương án có thể áp dụng, em chọn kiến thức mới vì em muốn trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm cho mình”.
Ngọc Diệp