Mặc dù, trong nhiệm kỳ IV, hoạt động của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, với sự cố gắng nỗ lực của tất cả các thành viên, sự hỗ trợ của các ban ngành, các cấp... đã đạt được những thành tựu đáng mừng, tiêu biểu phải kể đến lĩnh vực thể thao đỉnh cao mà ở đó nhiều giải đấu quốc tế được tổ chức, thứ hạng của các VĐV không ngừng được cải thiện. Như năm 2009, Nguyễn Thuỳ Dung đã được xếp hạng 612 trong bảng xếp hạng của WTA, 2 VĐV trẻ là Hoàng Thiên (hạng 546) được xếp hạng là VĐV số 1 U14 Châu Á và Đài Trang (hạng 336) cũng được xếp hạng trong hệ thống VĐV trẻ thế giới.
Tuy nhiên.
Thành tích mà các VĐV này đạt được phần lớn là do sự đầu tư của gia đình. Ví như tay vợt Thùy Dung (Hà Nội) được gia đình đầu tư đi Thái Lan, Mỹ tập huấn dài ngày, tham dự nhiều giải đấu mở rộng của Mỹ; Nguyễn Hoàng Thiên, Đài Trang cũng được gia đình bỏ ra hàng tỉ đồng để thuê HLV, tập huấn nước ngoài và thi đấu nhiều giải quốc tế. Đáng tiếc là trong bối cảnh ấy, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam chưa giúp đỡ được nhiều, chủ yếu về mặt thủ tục, hành lang pháp lý để các VĐV có điều kiện tham dự các giải đấu.
 |
Quần vợt Việt Nam sẵn sàng cho nhiệm kỳ mới
(Ảnh: TT) |
Là một trong những môn đi đầu về công tác xã hội hoá, thu hút nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nhưng vài năm trở lại đây Quần vợt Việt Nam cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn từ lĩnh vực này. Nhiệm kỳ IV hầu như phải tự cân đối toàn bộ hoạt động của mình. Những phần được hỗ trợ từ cơ quan cấp trên có nhưng không nhiều và được sử dụng để đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế.
Do vậy các giải đấu hay chương trình hỗ trợ cho các tài năng trẻ chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Điểm qua cũng chỉ được vài Nhà tài trợ là Prudence, Công ty nước giải khát Lavie, ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Công ty Jangshen Cilag - Nizoral... Song các Nhà tài trợ cũng chỉ dừng lại ở những sự kiện như tổ chức giải đấu, trao thưởng nhằm quảng bá thương hiệu tức thì chứ chưa tìm được mô hình tài trợ trọn gói nào về đào tạo VĐV trẻ - bảo trợ VĐV trong suốt quá trình tập luyện và thi đấu, khi kết thúc sự nghiệp đỉnh cao được đi học và có việc làm ổn định.
Bên cạnh đó, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ Trọng tài, HLV còn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Dù đã tổ chức tới 4 khoá đào tạo HLV tại TPHCM, Vĩnh Phúc trong năm qua và 3 khoá dành cho Trọng tài nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một Trọng tài Quần vợt có đẳng cấp quốc tế cấp 2 của ITF. Thêm vào đó, do không có nhiều cơ hội được tham gia các giải đấu quốc tế nên trình độ chuyên môn, tổ chức còn chưa cao...
Vừa qua, Ban chấp hành Liên đoàn Quần vợt Việt Nam đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại ở nhiệm kỳ trước, Tổng thư ký khóa IV - ông Trần Ngọc Lịnh cũng cho biết: “Việc để xảy ra một số sự việc khiến dư luận phải lên tiếng về công tác thi đấu, điều hành giải cho đến việc đầu tư cho các VĐV trẻ còn chưa xứng tầm và đạt hiệu quả như mong muốn là nỗi trăn trở của không chỉ Ban chấp hành mà của tất cả những người làm công tác Quần vợt trên cả nước. Vì vậy việc tuyển chọn, đầu tư cho các VĐV trẻ là nhiệm vụ trọng tâm của Quần vợt Việt Nam trong nhiệm kỳ tới”.
Giai đoạn 2010 - 2015, với bộ máy đã được kiện toàn, cơ chế hoạt động cũng có nhiều thay đổi, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam sẽ đúc rút những bài học quý báu từ nhiệm kỳ trước để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, hoàn thành tốt mục tiêu đề ra về cả thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Đặc biệt, sẽ triển khai đề án xã hội hoá thể thao, chuyển sang chế độ chuyên biệt do Liên đoàn quản lý (thay vì Bộ môn như trước), thực hiện thu, chi tự chủ, không lấy kinh phí từ nhà nước. Và rằng đó sẽ là tiền đề để Quần vợt Việt Nam có được bước tiến dài trên lộ trình hội nhập quốc tế, để không bị cho là "ì ạch" như thời gian qua.
Xuân Nhi