Dự kiến, Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 1 - 8/2010, thu hút khoảng 70 - 75 đoàn Võ thuật của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với khoảng 750 Võ sư, Võ sĩ cùng góp mặt.
Các nội dung được lựa chọn biểu diễn tại Liên hoan lần này được đánh giá là sẽ thể hiện một cách đầy đủ về đặc trưng của Võ cổ truyền Việt Nam như: Quyền tay không và binh khí, đối luyện tay không với tay không, tay không với binh khí và binh khí với binh khí. Ngoài ra, mỗi đoàn có thể đăng ký biểu diễn một số tiết mục đặc sắc, thể hiện tinh hoa của từng môn phái. Ngoài ra, Liên hoan còn có nhiều hoạt động bên lề khác nhằm giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về những nét đẹp, đặc trưng của miền đất có tinh thần thượng võ lâu đời, quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Với mục đích tổ chức thành công Liên hoan này nhằm hướng đến kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các cơ quan chức năng tại Bình Định đang gấp rút hoàn tất các thủ tục văn bản và các công việc có liên quan đến công tác chuẩn bị của Liên hoan. Tại buổi làm việc gần đây giữa Bộ VH,TT&DL với tỉnh Bình Định về công tác tổ chức Liên hoan, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đặc biệt nhấn mạnh: Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ III năm 2010 được tổ chức tại Bình Định, đây là một vinh dự lớn đối những người làm công tác quản lý tại Bình Định nói riêng và nhân dân toàn tỉnh nói chung. Ý thức được tầm quan trọng đó, các cơ quan chức năng tại Bình Định trong suốt thời gian qua đã tiến hành nhiều cuộc họp nhằm lấy ý kiến đóng góp để sự kiện này được tổ chức hoành tráng và mang lại những giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt, là lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan phải đảm bảo đến mức tối đa cũng như tạo các điều kiện thuận lợi tốt nhất để Liên hoan được diễn ra thành công và để lại ấn tượng đẹp với bạn bè trong và ngoài nước nhưng phải trên tinh thần tiết kiệm về kinh phí cho nhà nước.
Điều này được thể hiện rõ ở chỗ: các nghệ sỹ, diễn viên tham gia biểu diễn trong các tiết mục chào mừng tại Lễ khai, bế mạc của Liên hoan đều do các diễn viên, học sinh, sinh ở các đoàn nghệ thuật trong tỉnh và các trường học, Đại học, Cao đẳng nằm trên địa bàn tỉnh tham gia. Các băng rôn, khẩu hiệu, cờ đều hạn chế làm mới mà được tận dụng từ các sự kiện tổ chức trước tại Bình Định. Điều này đã làm giảm thiểu đến mức tối đa về kinh phí tổ chức sự kiện. Ngoài ra, địa phương rất tích cực vận động các nguồn tại trợ kinh phí của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong tỉnh vào cuộc cùng chung tay tổ chức Liên hoan.
Liên hoan được diễn ra nhằm tạo cơ hội cho các đoàn Võ thuật trong và ngoài nước vừa có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm về Võ thuật Việt Nam; vừa có điều kiện tìm hiểu về quê hương Bình Định trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội.
N. H