Người dân xã Nghi Thuỷ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (thị xã Cửa Lò ngày nay) có ai nghĩ rằng cô gái nhà nghèo Lê Thị Bạch Cát lại thi đỗ vào Trường Trung cấp Thể dục thể thao trung ương ngoài Hà Nội! Ra trường, o Cát được cử làm giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nhac-Hoạ-Thể dục trung ương. Hè năm 1963, o Cát về quê, cô bác làng xóm mới tin “Đúng o Cát làm cán bộ TDTT ngoài Hà Nội rồi, không xạo mô!”. Hè năm sau - năm 1964 ấy, o Cát về nghỉ cả tháng trời với gia đình. Bạch Cát mang quần áo thể thao in số, các cháu đứa nào cũng thích được diện áo số “cầu thủ Bóng đá”. Thanh niên trong xã thích nhất được coi 4,5 tập ảnh thể thao. Tấm ảnh nào cũng đẹp, cũng lạ với cánh thanh niên quê ngày đó. O Cát trong đoàn thể thao diễu hành ở quảng trường Ba Đình ngày Quốc khánh 2-9; ảnh tập luyện trên xà kép, cầu thăng bằng, thể dục trên thảm có giải lụa. Lạ nhất là o Cát gan thật dám bận quần áo ngắn cũn cỡn biểu diễn trước bao nhiêu người xem. Cuộc sống quê Nghi Lộc của o Cát những năm này còn nghèo, đói lắm. Ngày ba, tháng tám giáp vụ, nghĩ đến hạt thóc, hạt gạo mà ngỡ như mơ. Bữa ăn chỉ có khoai, sắn, rau… O Cát dám thoát ly quê ra tận Thủ đô học TDTT, là chuyện không tưởng tượng nổi trong tâm trí lớp thanh niên nông thôn vùng Nghi Lộc ngày ấy.
Hết hè. Lê Thị Bạch Cát chào từ biệt gia đình, rời xóm Mai Động, xã Nghi Thuỷ lặng lẽ lên địa điểm tập trung được giữ tuyệt mật ở vùng rừng Phú Thọ cách biệt dân. Lúc ra học TDTT ở Quần Ngựa, o Cát đã là đảng viên. Có lệnh tập trung đi công tác. Đi đâu, làm gì? Theo nguyên tắc hỏi làm gì? Thời gian này, cả miền Bắc đang sục sôi chống Mỹ. Bạch Cát cũng như các thầy bên Trường TDTT Từ Sơn, các bạn có ai được công khai!. Sau 3 tháng học tập rèn luyện thể lực. Ngày ngày đeo ba lô nặng 30, 40 kg dã ngoại cả chục cây số đường rừng. Trung tuần tháng 12 –1964, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ lên nói chuyện thời sự. Anh chị em nhớ buổi đồng chí Tố Hữu và Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn cùng phu nhân-bà Thuỵ Nga quê Nam Bộ vừa ra Bắc, lên nói chuyện và giao nhiệm vụ. Sáng hôm lên đường, với mật danh K33, tất cả anh chị em đều phải để lại miền Bắc từ tên gọi, đồ dùng, để nhận tên gọi mới, quần áo, giầy, mũ, súng đạn, tăng võng, áo mưa… Quân giải phóng. 83 ngày đêm hành quân vượt Trường Sơn, K33 vào đến Trung ương Cục tại chiến khu Lộc Ninh. Lê Thị Bạch Cát mang tên Lê Liên Xuân, Sáu Xuân. Hai năm sau, Liên Xuân từ Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục, được bổ sung về Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định, làm Bí thư Quận đoàn Quận Nhất.
Trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 68, sáng mồng một tết, mũi tiến đánh Quận Nhất giành thắng lợi to lớn. Đơn vị do Liên Xuân chỉ huy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đánh chiếm đại sứ quán Mỹ, đài phát thanh Sài Gòn, trại lính Mỹ, đơn vị cảnh sát dã chiến…Đợt tiến công lần thứ hai vào đầu tháng 5, yếu tố bất ngờ không còn, các mũi tiến công đều gặp cực kỳ khó khăn. Và, trong trận chiến tại hẻm 83 Đề Thám do Liên Xuân chỉ huy, khi không còn đủ lực lượng, súng đạn để chiến đấu, chỉ huy đã hạ lệnh tất cả đơn vị ai khoẻ cõng thương binh, hoặc khênh tử sĩ rút theo phương án đã định, còn Sáu Xuân thu hết đạn, lựu đạn, súng… để đánh chặn của kẻ thù. Bắn hết đạn, chị Sáu Xuân lăm lăm khẩu súng ngắn, với mỗi viên đạn là một tên giặc Mỹ... và chỉ huy Liên Xuân đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, hy sinh anh dũng.
Khi hy sinh, Bạch Cát mới 28 tuổi, chưa lập gia đình. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân thành phố đã lấy tên chị đặt tên cho một trường trung học cơ sở và một đường phố Lê Thị Bạch Cát ở quận 11 hiện nay. Lê Thị Bạch Cát (1940-1968) đã để lại niềm tiếc thương khôn nguôi trong lòng bạn bè đồng đội, đồng chí và nhiều anh chị em cán bộ TDTT. Các năm qua đại diện Uỷ ban TDTT, Sở TDTT Nghệ An vẫn thường xuyên về thăm gia đình chị tại thị xã Cửa Lò. Người nữ cán bộ TDTT yêu ngành nghề, một nữ chiến sĩ Biệt động thành bất khuất kiên cường, một cán bộ Đoàn Thanh niên nội đô thông minh giữa sào huyệt kẻ thù. Đã 39 năm chị nằm xuống mảnh đất Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, Lê Thị Bạch Cát vẫn sống trong lòng bè bạn đồng nghiệp và tuổi trẻ cả nước. Lê Liên Xuân-Sáu Xuân người cán bộ TDTT lớp đầu tiên là thế đó.
Trương Xuân Hùng