Cách đây vài năm, đã có rất nhiều ý kiến (rất gay gắt) nghi ngờ về chất lượng và hiệu quả của 2 lớp đào tạo Bóng đá trẻ mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức (phía Bắc đóng tại Đại học TDTT I - Từ Sơn, Bắc Ninh và phía Nam là ở Đại học TDTT II, Thủ Đức). Đa số cho rằng ý tưởng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ nhanh chóng đổ vỡ bởi nhiều lý do, mà trong đó chủ yếu là bởi trình độ, năng lực của con người - các học sinh cũng như thày giáo, HLV của các lớp Bóng đá năng khiếu đó không đáp ứng được mục đích to lớn đặt ra; đó là bồi dưỡng lớp VĐV vừa có trình độ chuyên môn cao vừa đáp ứng được nhu cầu học tập văn hoá, đạo đức cho các em.
Các ý kiến phản đối gay gắt nhất đa phần dựa trên thực tế là nguồn cầu thủ trẻ được "nhặt nhạnh" về "cho đủ quân số" đa phần là hàng "thải" từ các CLB. Đội ngũ HLV cũng không được đánh giá cao do thiếu thành tích, chỉ là giảng viên đại học, chưa có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao...
Sau chiến thắng 2-0 của chủ nhà Việt Nam trước đối thủ tới từ Tây Á Lebanon, lại nghĩ về Bóng đá Việt Nam với bao nhiêu điều chưa tỏ. Điểm qua đội hình thi đấu vừa qua, giật mình vì thấy quá nửa nếu không nói là gần hết các tuyển thủ vừa làm nên chiến thắng ấn tượng lại chính là các cựu học sinh của "2 lớp học" vừa nói ở trên...
Có thể coi LĐBĐ Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra cho các lớp U-17 hồi ấy, cho ra lò một lớp cầu thủ kế cận? Nếu ngày đó, các thày, HLV của các lớp năng khiếu trên có được những cầu thủ loại 1 (đã bị các địa phương, CLB giữ lại), đội Olympic của chúng ta sẽ còn hay, mạnh hơn nhiều? Môi trường đào tạo (đóng tại 2 trường Đại học) và sự dìu dắt của các thày, HLV đã tác động như thế nào để những người vốn bị đánh giá thấp hơn nay lại đang gánh vác trách nhiệm quốc gia? Và thêm nữa, trước khi nêu ra những ý kiến bình luận, đánh giá về những vấn đề to lớn, cần có thời gian kiểm nghiệm (cụ thể ở đây là việc đào tạo, bồi dưỡng VĐV trẻ...) nên chăng phải chừng mực, thấu đáo hơn?
Quang Thạch