Ngoài những vấn đề chuyên môn, kỹ thuật thì vấn đề “nóng” nhất ở các đội tuyển sau mỗi mùa giải là chuyện nhà tài trợ. Gần như là thông lệ, sau một mùa giải lại có những nhà tài trợ chia tay với các đội bóng. Có hàng trăm lý do để lý giải điều này, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm sao giữ chân các nhà tài trợ tìm một sự ổn định về tâm lý cho các cầu thủ “yên tâm” thi đấu.
Kết thúc mùa bóng năm nay, danh sách các nhà tài trợ chia tay với các đội tuyển cũng không ít. Một trong số đó là Strata Đồng Nai, bén duyên nhau từ 7/2003, sau những ngày tháng thăng trầm cùng đội bóng từ đội hạng nhì lên hạng nhất tưởng như đó đã là một sự thành công, nhưng trong khi công ty tiếp thị thể thao Strata kiên trì với quyết tâm đưa đội bóng lên hạng chuyên nghiệp thì đội bóng vẫn long đong để trụ lại ở giải hạng nhất. mong muốn đội bóng có thể hoạt động với 100% vốn nước ngoài của Strata cũng không thành. Thôi thì điều gì đến cũng phải đến, Strata đã mệt mỏi và chia tay là điều tất yếu. Vậy là một trong những lý do của các cuộc chia tay là đội bóng không đáp ứng được yêu cầu của nhà tài trợ. Đáng buồn đây lại là lý do chính của các cuộc chia tay. Giờ đây trở về với Sở TDTT Đồng Nai, đội bóng này lại bắt đầu một công cuộc tìm kiếm nhà tài trợ mới.
Không giống như Đồng Nai, Sông Đà Nam Định lại ở hoàn cảnh khác. Chẳng phải đội bóng thành Nam thi đấu không như mong đợi, mà vấn đề ở đây là, cái duyên của họ được bắt đầu là tình đồng hương. Vì thế khi đồng hương – các nhà lãnh đạo gốc Nam Định ở đơn vị tài trợ là Tổng công ty Sông Đà chuyển qua các chức vụ khác thì cái duyên ấy cũng giảm đi phần nào. Tiền tài trợ từ 4 tỷ đồng xuống chỉ còn 2 tỷ dẫn đến đội bóng thi đấu không ổn định và chỉ mong không tụt hạng.
Ngoài ra, còn không ít các câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh “mối duyên” giữa nhà tài trợ và đội bóng. Có những đội bóng mất đi cả thương hiệu và truyền thống của mình sau mỗi lần chia tay với nhà tài trợ: Công an TP. HCM (đổi tên thành Ngân hàng Đông Á, thép Pomina), hay như Công An Hà Nội (thành Hàng không Việt Nam, LG. HN. ACB)…Rồi như Huda Huế cái tên giờ đây đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ, vậy mà đã có lúc Bia Huế từng khăng khăng chỉ cấp 300 triệu đồng chứ không phải 3 tỷ đồng/năm, nguyên nhân là hội đồng quản trị còn chưa thống nhất việc có tài trợ cho đội bóng hay không.
Câu chuyện giữa nhà tài trợ và đội bóng tưởng chừng như chỉ là vấn đề ngoài sân cỏ, vấn đề tài chính, nhưng thực chất đây lại là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng thi đấu của cả mùa giải.
Mới đây Tiger Beer đã chính thức kết thúc hợp đồng tài trợ cho Tiger Cup vậy là một mối duyên nữa đã lại phải nói tiếng chia tay.
Nhà tài trợ cần đội bóng để quảng bá thương hiệu của mình, Đội bóng cần nhà tài trợ để duy trì hoạt động. Đây là mối quan hệ tương hỗ, nhưng nếu không có các đội bóng thì các nhà tài trợ vẫn có thể tìm cho mình một con đường khác để đưa thương hiệu đến với công chúng, còn các đội bóng thì không thể thiếu các nhà tài trợ. Vì vậy, ổn định phong độ, nâng cao chất lượng thi đấu, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, tạo uy tín với nhà tài trợ là phương thức hữu hiệu giữ chân nhà tài trợ. Đến khi nào thì nỗi lo về nhà tài trợ không còn canh cánh bên cạnh các đội tuyển?! Điều này được quyết định bởi chính các đội bóng, họ phải là người làm chủ vận mệnh của mình.
TN