 |
Vũ Thị Hương tại Bắc Kinh - Trung Quốc (Ảnh: Chu Hưng) |
Chỉ còn 2 ngày nữa ngọn đuốc của TVH lần thứ 29 sẽ chính thức rực cháy và các VĐV sẽ bước vào những ngày thi đấu đầy kịch tính. VĐV Lê Ngọc Nguyên Nhung sẽ là VĐV đầu tiên của đoàn TTVN tranh tài tại TVH lần này.
Dẫu biết đây là một sân chơi có quá nhiều thử thách, khó có thể giành huy chương và việc vượt qua chính mình đã là thành công. Bởi vậy, các VĐV Việt Nam đều có chung quyết tâm, thi đấu hết sức mình vì Tổ quốc và hy vọng vào những kỳ tích ở một số môn thế mạnh.
Trước lúc lên đường, Trưởng đoàn TTVN - Hoàng Vĩnh Giang khẳng định: Tại Olympic Bắc Kinh chúng ta không mất hy vọng tìm kiếm huy chương ở một số môn như Cử tạ, Teakwondo... nhưng mục tiêu chính đặt ra cho các VĐV là thi đấu vượt qua chính mình, trưởng thành hơn về tâm lý và trình độ thi đấu, làm được điều đó có thể coi là một thành công lớn.
Quả không sai, bởi qua 6 lần tham dự (kể từ năm 1980 tại TVH Matxcơva) và điển hình nhất là tại TVH Athens 2004, các VĐV của chúng ta do tâm lý hồi hộp, lo sợ vì lần đầu được tham dự một sân chơi quá lớn, cộng với việc bị "ngợp" bởi các đấu thủ quá mạnh tới từ khắp 5 châu và vì nhiều lý do khách quan khác nữa đã thi đấu không thành công, không gây được ấn tượng tại giải đấu, thậm chí thành tích đạt được còn kém xa so với ở nhà.
Còn nhớ, cách đây 4 năm, trong danh sách 11 VĐV Việt Nam tham dự TVH Athens, gồm: Nguyễn Hữu Việt, Nguyễn Quốc Huân, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Mạnh Tường, Đoàn Thị Cách, Lê Văn Dương, Bùi Thị Nhung, Đoàn Kiến Quốc, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Hiền và Nguyễn Thị Thiết, chỉ có: Đoàn Thị Cách (Canoeing), Lê Văn Dương (Điền kinh) và nhất là Nguyễn Quốc Huân (Taekwondo) đã thể hiện đúng sức mình. Nếu TVH Athens ở môn Teakwondo áp dụng hình thức tính huy chương như ở Bắc Kinh 2008 này thì Nguyễn Quốc Huân đã giành được HCĐ.
Các VĐV còn lại đều không vượt qua thành tích của bản thân, đã xác lập tại các giải đấu trong nước. Nguyễn Thị Thiết chỉ giành được tổng cử (cử giật và cử đẩy) 205kg - xếp thứ 6, thua tấm HCB SEA Games 22 đến gần 20kg (225,5); Bùi Thị Nhung nhảy 3 lần vẫn không qua được mức xà 1m85, đành dừng lại ở 1m80; Đoàn Kiến Quốc lúng túng trong các pha xử lý tình huống, thậm chí ngay cả những đòn sở trường tỷ lệ thực hiện thành công cũng rất thấp; xạ thủ mạnh Tường dù đã dạn dày kinh nghiệm cũng bị "cứng tay cò"... Và nguyên nhân của sự trồi sụt đó chính là do tâm lý.
Trong lần tham dự Olympic Bắc Kinh 2008, đoàn TTVN có tới 6/13 VĐV là lần đầu tiên góp mặt tại sân chơi danh giá này, vì vậy điểm yếu tâm lý và khả năng bị "ngợp" bởi quy mô, độ hoành tráng của giải đấu là khó tránh khỏi. Rất có thể đó sẽ là rào cản để các VĐV thực hiện được mục tiêu đề ra. Qua theo dõi sự tiến bộ của các VĐV, NHM lo ngại về vấn đề này nhất là Tiến Minh - cây vợt số 1 Cầu lông Việt Nam (sẽ tranh tài vào ngày 10/8), cũng là một trong số VĐV có nhiều cơ hội "toả sáng" sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn, bởi vốn dĩ yếu điểm tâm lý đã trở thành căn bệnh cố hữu mà tay vợt này chưa thể khắc phục.
Mặc dù, đã có sự chuẩn bị chu đáo về chuyên môn, được tạo điều kiện về tâm lý khi không chịu áp lực về huy chương hay thành tích, liệu các VĐV có đạt được đúng những gì mình mong muốn là có phong độ cao, sự tự tin, hưng phấn nhất khi bước vào “trận đánh lớn”. Đó vẫn còn là một ẩn số !?
Xuân Nhi