Trong buổi hội thảo bóng chuyền vừa diễn ra sáng nay, LĐ bóng chuyền Việt Nam đã thống nhất các CLB sẽ được quyền thuê cầu thủ ngoại từ năm 2005. Theo đó, mỗi đội được đăng ký tối đa 2 VĐV và chỉ 1 VĐV được phép ra sân.
Ban đầu, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đề xuất mỗi CLB được quyền đăng ký tối đa 3 VĐV ngoại, và được phép đưa vào sân 2 người. Tuy nhiên, do có nhiều CLB nghèo khó có thể mua nhiều cầu thủ ngoại để cạnh tranh nên Liên đoàn đã quyết định giảm số cầu thủ ngoại xuống.
1. Về nguồn cầu thủ, LĐ bóng chuyền cũng chủ động đề nghị làm trung gian giới thiệu các mối hàng cho các đội. Hiện nay, những nguồn hàng được nhắm tới là cầu thủ ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) và khu vực Đông Âu với mức lương khoảng 2.000 USD/tháng. Ngay khi phong phanh thông tin về việc mở cửa thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại, các đội Bưu Điện Hà Nội, Giấy Bãi Bằng, Ninh Bình, Hưng Yên đã bắt đầu xục xạo đi tìm quân.
Thị trường trong nước sẽ ế ẩm
Nếu như chuyện mua ngoại đều được các đội khoái, thì việc mua bán cầu thủ giữa các đội lại quá nhùng nhằng. Theo Quy định tạm thời về chuyển nhượng VĐV, việc này tưởng chừng khá rõ rằng khi việc bồi thường khi VĐV muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng đã được quy định rõ. Theo đó, VĐV phải báo trước cho CLB 15 ngày và bồi thường từ 1-3 tháng lương tuỳ thuộc vào thời gian còn lại của Hợp đồng và các thiệt hại thực tế CLB phải gánh chịu do việc hợp đồng chấm dứt.
Nhưng rất nhiều lãnh đội, HLV vẫn nghi ngờ và cho rằng, việc được ra đi của một số HLV quá mờ mịt. Bởi ngoài Quy định của Liên đoàn, các địa phương cũng có vô số cách để giữ quân trong thời buổi hiếm hoi tài năng cầu thủ trong nước. "Chẳng có ai mua, ai bán gì giữa các đội đâu. Lương cầu thủ thấp thật đấy, nhưng họ muốn ra đi đâu có dễ. Rồi cái chợ chuyển nhưọng lại ế ẩm mất thôi". HLV đội Than Hà Tu Nguyễn Ngọc Mạnh than thở. Chẳng thế mà, LĐ bóng chuyền Việt Nam đã tiến hành 2 cuộc hội thảo mà mọi chuyện vẫn chẳng tiến được nhiều.
Đấy là trường hợp của Bùi Thị Huệ, tuyển thủ quốc gia, chỉ có thu nhập 500.000 đồng/tháng khi chơi cho đội Thái Bình. Không thể trả cho mức lương cao hơn nhưng Thái Bình lại kiên quyết không để Huệ ra đi bằng vô số những ràng buộc cơ chế theo kiểu "Phép vua, lệ làng". Nào là đã vào biên chế rồi, rồi cả những mức lương khống khi đại diện của Thái Bình nói mức lương của họ đã lên tới hàng triệu.
Nghe những lời của Thái Bình, HLV lão thành Nguyễn Ngọc Mạnh châm chọc rằng: "Nếu mức sống của cầu thủ ở Thái Bình (1,6 triệu đồng/tháng), chắc chẳng bao giờ cầu thủ như Huệ phải đòi ra đi cả. Bởi ở quê, mức lương mà được như thế, thì cũng giàu to rồi". Trong khi ấy, những tỉnh mang tiếng giàu có, đầu tư cho bóng chuyền như Quảng Ninh, mức lương cũng chỉ khoảng 800.000 đồng/tháng.
(Theo VnExpress)