Yêu cuộc sống, sợ sự chết là cái lẽ tất nhiên ở đời, khái niệm nhớ - quên cũng chẳng là ngoại lệ. Trong vỏn vẹn mấy mươi năm của kiếp người ngắn ngủi, tài giỏi hay hèn kém thì cuối cùng, trước khi về với đất, người ta cũng phải đo đếm xem mình đã làm được gì, có để lại gì cho đời, cho người, sau khi đã qua con đường dằng dặc của niềm vui và nỗi buồn bất định. Vượt lên những nguyên tắc, lý tưởng, trách nhiệm cao siêu, phần đa, mình đều mặc cảm bởi cái triết lý sống - nhớ - chết - quên kia mà hành động. Con người sợ cô độc, phải chăng vì thế mà ta cố nghĩ và làm tất cả, để nếu mai này vắng mặt, thi thoảng may ra còn có kẻ nhắc tới tên mình. Chiêm nghiệm, đúc kết được là rất quý, nhưng tai ác thay, thường khi ta có thể làm tốt hơn lại là lúc không còn thời gian, cơ hội để cho mọi điều trở thành tuyệt mỹ. "Sóng sau đè sóng trước" dù rằng chưa tới đích, muốn hay không cũng phải dành cho người khác, bó đuốc cứ chuyền tay nhau tự bao đời đơn giản như thế ? Ngộ ra rằng, thành công hay thất bại, cốt lõi cũng chỉ là, bó đuốc trên tay anh cầm, có chuyền được sang tay người khác hay không ?
Bốn năm một nhiệm kỳ, khó khăn trước mặt những người chèo lái Liên đoàn Bóng đá Việt Nam rất nhiều. BĐVN vẫn chưa thoát ra khỏi "vùng trũng", dù chỉ cách chiếc Huy chương Vàng khu vực có một chút thôi, vậy mà sao khó thế? Ta gầy yếu mà quả ngọt mãi ở trên cao, chưa với tới được? Bấy lâu nay, chúng ta như người đi mượn thang, những mong trèo lên cao ấy. Nhưng chông chênh lắm, mà có cố thì cũng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định và sự thật là đã không ít lần chúng ta rơi xuống. Càng cố thì ngã càng đau.
Ai cũng hiểu, dài dòng mà làm gì, quan trọng là cách giải quyết ? Câu trả lời quá cũ, tưởng chừng đơn giản, đầu tiên phải bồi bổ cơ thể trước. Phải nuôi cho cái thân ta khoẻ lên, cao lớn lên, và chờ tới ngày ta có thể tự đứng trên đôi chân vững trãi của mình, giơ tay hái quả. Đầu tư cho thế hệ trẻ, con đường duy nhất để nâng tầm Bóng đá Việt Nam. Hiểu, nhưng ta chưa làm được, bởi tất cả chúng ta còn lấn cấn quanh ý thức "sợ sự chết" đã nói ở trên. Ta mong có thành tích để khẳng định sự đóng góp, tồn tại của mình cho Bóng đá. NHM cũng không ngoại lệ, ta chưa tự đánh giá mình một cách chính xác, rồi huyễn hoặc, "bắt" đội tuyển phải có những tấm huy chương xa vời, ngoài tầm với vào lúc này, chỉ để nuôi dưỡng, thoả mãn tình yêu Bóng đá đang tồn tại trong ta. Ta giận dữ, hằn học, kêu gào mỗi khi phải chứng kiến thất bại của BĐVN trên con đường hoàn thiện mình, điều đó cũng giống như một người núp dưới hiên mưa, muốn khô ráo, ấm áp, nhưng chẳng hề ra tay lợp lại. Hãy biết cất đi, ghìm nén những khát khao trước mắt, bởi dù có thành công đi chăng nữa thì những toan tính thời vụ đâu thể vững bền. Chúng ta và BĐVN cần thời gian, điều đó là không thể phủ nhận. Đó là điều kiện đầu tiên, bên cạnh nhiều yếu tố khác nữa như tài năng, trình độ ... Chuyển biến ở Đại hội LĐBĐVN nhiệm kỳ V cùng với kết quả khả quan của đội tuyển tại Honda Cup rất đáng mừng, nhưng chỉ càng làm cho ta thấy rõ hơn. Để duy trì, ổn định theo đà thăng tiến, BĐVN cần phải làm lại, làm mới, từ đầu.
BĐVN cần những kế hoạch, chiến lược cụ thể, được tính toán tới từng chi tiết nhỏ cho Bóng đá trẻ như đối tượng, địa bàn, qui mô phát triển. Hãy nhìn các cầu thủ Barcelona B (mặc dù họ là B "mấy" ta cũng chưa dám khẳng định) thi đấu trên sân Mỹ Đình lần này, ta luôn thấy thứ bóng đá mê hoặc, quen thuộc của CLB vừa giành chức vô địch La Liga. Đó là dựa vào khả năng bùng nổ của các cá nhân kiệt xuất (số 10-8- 9 Barca B), và chơi xung quanh anh ta là những cầu thủ khác, kỹ thuật có thể kém hơn nhưng cần cù, tốc độ, tuân thủ đấu pháp, và hệ quả của nó là họ luôn có khả năng tấn công đa dạng, áp đặt lối chơi trong mỗi trận đấu với bất kỳ đối thủ nào. Xem Barca B thi đấu ( tất nhiên còn phải cố gắng nhiều họ mới mong theo kịp các đàn anh của mình) ta luôn thấy lấp lánh hình ảnh của Deco, của Ronaldinho trong từng pha xử lý, trong từng đường lên bóng. Điều đó cho thấy tính hệ thống trong huấn luyện của CLB Barcelona nói riêng và nền bóng đá phát triển ở Châu Âu nói chung. Đã tới lúc chúng ta nên nghĩ tới những đặc điểm riêng của người Việt Nam (trong thể thao và Bóng đá) để lo cho những thứ dài hơi như vậy. Làm được không hề đơn giản, đó là bước sau cùng của hàng loạt các công trình nghiên cứu về thể chất, dinh dưỡng, tâm sinh- lý TDTT, các trào lưu, phương pháp huấn luỵện kỹ chiến thuật thích hợp. Ta cần những khoản đầu tư để học hỏi, nghiên cứu. Đó là công việc cần tới sức mạnh và ý chí của cả xã hội, của Chính phủ, Uỷ ban TDTT, LĐBĐVN...Kết quả thu được ban đầu có khi chỉ là những thất bại, nhưng cần thiết. Chúng ta phải biết vượt qua khó khăn, bằng những kinh nghiệm, kiến thức đúc rút được từ những va vấp trên đường tiến lên "chuyên nghiệp", với một tinh thần thật sự xây dựng, thật sự cầu tiến, cầu thị. Đó chính là con đường duy nhất, đưa Bóng đá Việt Nam phát triển và có được những thành công chắc chắn ở ngày mai..
Núi công việc đó không thể nào ngày một ngày hai mà xong được, để làm tốt, làm đúng, ta không nên tính đến thời gian, nhiệm kỳ mà làm gì, thà chậm nhưng chuẩn và chắc còn hơn. "Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo" chính là những thứ cần cho BĐVN lúc này, để vượt qua căn bệnh thành tích, bệnh "sợ chết", bệnh sợ mọi nguời quên mình đã từng "tồn tại" đang còn rất nặng nề từ địa phương cho tới cấp Đội tuyển. Để làm những điều đúng đắn, lớn lao, nhiều khi phải biết hy sinh, nhiều khi phải âm thầm vượt qua gian khó. Cũng như hàng triệu Người Anh hùng của Tổ quốc đã ngã xuống năm xưa...
Ngày mai có thể chẳng còn ta, nhưng cuộc sống không khi nào dừng lại. Trái bóng vẫn sẽ lăn, cuốn theo sự say mê của bao người giành cho nó. Mọi việc ta làm nếu như xuất phát từ trái tim, từ tình yêu thật sự, sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bó đuốc nếu đang trong tay ta, hãy chăm cho nó cháy khoẻ, cháy sáng, cho tới khi chuyển sang tay người kế tiếp. Nếu được như thế, dù tới ngày BĐVN vươn cao "hái quả" có mặt ta hay không, cũng đâu còn quan trọng. Trong giấc mơ, một ngày, lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các sân cỏ năm châu, và trên khán đài là âm vang hai tiếng Việt Nam yêu dấu.
Lưu Chu Hưng