 |
Các TNV tại Thế vận hội luôn tỏ ra thân thiện (Ảnh: XT) |
Tuy nhiên, đối với hầu hết các VĐV của đoàn TTVN việc giao tiếp bằng tiếng nước ngoài là một "thách thức" không nhỏ. Điều đó đã làm hạn chế tới việc tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa của đoàn TTVN.
Đoàn TTVN tham gia Thế vận hội với 13 VĐV, tranh tài ở 7 môn thể thao (Vật, Bơi, Taekwondo, Cử tạ, Bắn súng, Điền kinh và Cầu lông). Trong ngày thi đấu hôm qua (15/8), VĐV Cử tạ - Thạch Kim Tuấn đã xuất sắc giành HCV ở hạng cân 56kg với mức tạ tổng cử là 256 kg. Đây là tấm HCV đầu tiên trong lịch sử TTVN tại Thế vận hội trẻ lần thứ Nhất.
Tấm HCV của Tuấn đã làm rạng danh thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Tự hào biết bao khi Quốc ca Việt Nam vang lên trong buổi lễ trao giải. Những ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục của triệu triệu khán giả khi hướng về Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên cột cờ tại Nhà thi đấu Indoor Stadium – Singapore chắc chắn sẽ còn in sâu trong trái tim những người hoạt động trong lĩnh vực TDTT của nước nhà.
Tuy nhiên, một điều đáng phải suy nghĩ đó là sau khi Tuấn đăng quang ngôi Vô địch, đã có rất đông Phóng viên các hãng thông tấn, Báo chí của nhiều nước xin được phỏng vấn. Với những câu hỏi đơn giản, ngắn gọn về cảm nhận, quá trình tập luyện từ bao giờ để có được thành tích như ngày hôm nay… nhưng được hỏi bằng tiếng Anh, lại do người nước ngoài trực tiếp hỏi nên Tuấn không hiểu họ hỏi cái gì và việc trả lời không thể thực hiện ngay tức khắc. Tất cả quá trình phỏng vấn nhanh đó đành phải thông qua phiên dịch viên là một cán bộ trong đoàn. Đây chỉ là một tình huống nhỏ trong nhiều tình huống về việc không biết ngoại ngữ của VĐV Việt Nam khi tham gia Thế vận hội này.
Không chỉ riêng với Thạch Kim Tuấn mà hầu hết các VĐV trong đoàn đều có vốn ngoại ngữ rất khiêm tốn (có chăng chỉ vài câu tiếng Anh “bồi”), thêm vào đó là sự nhút nhát, rụt rè, có phần ngại ngùng khi giao tiếp với người nước ngoài. Tưởng như chỉ là điều rất nhỏ nhặt, nhưng xem ra việc vấn đề có thể giao tiếp được hay không bằng tiếng nước ngoài mỗi khi thi đấu lại rất quan trọng. Nó không những giúp các VĐV chủ động trong mọi tình huống mà bởi họ còn chính là những người đại diện cho tuổi trẻ của cả nước đi giao lưu, quảng bá hình ảnh con người Việt Nam tới bạn bè thế giới.
Thực tế trên cũng phần nào cho thấy công tác đào tạo VĐV, nhất là các VĐV trẻ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Qua Thế vận hội này, một trong những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo trẻ đó là ngoài việc trang bị những kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, chúng ta cần chú ý hơn nữa tới việc trang bị cho các em khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ để có được sự toàn diện cho hành trang đi vào tương lai.
Tuyến Xiêm